Kiểm soát chặt xe đưa rước học sinh

Chủ Nhật, 28/07/2024, 18:44 [GMT+7]
In bài này
.

Xe đưa rước học sinh (HS) là loại phương tiện giao thông đặc biệt được quy định cụ thể trong Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Các cơ quan hữu trách đang tiến hành các biện pháp siết chặt quản lý loại hình vận tải này.

Ông Phan Ngọc Huỳnh, Hiệu trưởng Trường UK Academy (UKA) Bà Rịa cho biết, trong năm học mới 2024-2025, Trường UKA Bà Rịa tiếp tục cung cấp dịch vụ xe đưa rước học sinh trên toàn địa bàn tỉnh. Theo đó, nhà trường đã nâng cấp 2 điểm chính trong hệ thống xe đưa rước học sinh bằng việc trang bị cảm ứng nhiệt và ứng dụng AntaBus để phụ huynh dễ dàng theo dõi hành trình của con.  Trong ảnh: Nhân viên Trường UKA Bà Rịa đưa đón học sinh của trường ra tận cửa xe.
Ông Phan Ngọc Huỳnh, Hiệu trưởng Trường UK Academy (UKA) Bà Rịa cho biết, trong năm học mới 2024-2025, Trường UKA Bà Rịa tiếp tục cung cấp dịch vụ xe đưa rước học sinh trên toàn địa bàn tỉnh. Theo đó, nhà trường đã nâng cấp 2 điểm chính trong hệ thống xe đưa rước học sinh bằng việc trang bị cảm ứng nhiệt và ứng dụng AntaBus để phụ huynh dễ dàng theo dõi hành trình của con. Trong ảnh: Nhân viên Trường UKA Bà Rịa đưa đón học sinh của trường ra tận cửa xe.

Siết chặt quản lý

Ông Nguyễn Đỗ Hải Thuận, Phó Giám đốc Sở GT-VT cho biết, Sở GT-VT đã có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông đối với xe ô tô đưa đón HS. Theo đó, Sở GT-VT giao Phòng Quản lý Vận tải Phương tiện và Người lái tăng cường công tác quản lý, cấp phép hoạt động đối với xe hợp đồng; theo dõi, đôn đốc các đơn vị vận tải thực hiện đầy đủ các quy định trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.

Tăng cường khai thác, sử dụng dữ liệu trên Hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam để chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm.

Song song đó, Sở GT-VT chỉ đạo Thanh tra Giao thông tiếp tục tăng cường tổ chức kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách. Theo đó, tăng cường khai thác, sử dụng dữ liệu trên Hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam (theo tài khoản đã được cấp cho Thanh tra Sở GT-VT) để xử lý các trường hợp vi phạm.

“Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động vận tải hành khách. Đặc biệt quan tâm kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các phương tiện xe ô tô đưa đón HS”, ông Nguyễn Đỗ Hải Thuận nhấn mạnh.

Đối với lái xe, cần đảm bảo các tiêu chuẩn và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về an toàn giao thông: chủ xe phải quán triệt đến người lái xe và nhân viên phục vụ trên xe về các nhiệm vụ như: sử dụng thẻ nhận dạng người lái xe để đăng xuất thông tin qua đầu đọc thẻ của thiết bị giám sát hành trình của xe; sau khi kết thúc hành trình hoặc ca làm việc, trước khi rời khỏi xe, người lái xe phải kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn hành khách trên xe.

Ngoài ra, Sở GT-VT yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải theo dõi, giám sát hoạt động của lái xe và phương tiện trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh vận tải; kiểm tra điều kiện an toàn giao thông của xe ô tô và lái xe ô tô trước khi thực hiện hành trình; chấp hành quy định về thời gian lái xe liên tục trong ngày của lái xe; chế độ bảo dưỡng sửa chữa đối với xe ô tô kinh doanh vận tải; chế độ kiểm tra; phải có phương án kiểm soát để bảo đảm không còn hành khách trên xe, người lái xe sau khi kết thúc hành trình hoặc ca làm việc, trước khi rời khỏi xe, phải kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn hành khách trên xe.

Tránh bỏ quên trẻ trên xe
Theo Điều 46, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, xe đưa đón học sinh phải bảo đảm những điều kiện sau:
Được cấp chứng nhận đăng ký xe và gắn biển số xe theo quy định của pháp luật; Bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; Phải lắp thiết bị giám sát hành trình; Có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe...
Người quản lý, người lái xe có trách nhiệm kiểm tra trẻ em mầm non, học sinh tiểu học khi xuống xe; không được để trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trên xe khi người quản lý và người lái xe đã rời xe.
Người lái xe có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách.

 

Trách nhiệm chung tay

Trước đó, ngày 12/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Khánh đã ký văn bản số 7890/UBND-VP về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông đối với xe ô tô đưa đón HS.

Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng thuộc Công an tỉnh, Sở GT-VT và cơ quan chức năng địa phương thường xuyên kiểm tra các cơ sở giáo dục, trường học có hoạt động sử dụng xe ô tô đưa đón HS.

Yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục (từ bậc mầm non đến THPT) trên địa bàn có sử dụng xe ô tô đưa đón HS thực hiện quy trình, kiểm tra số lượng HS khi lên xe và rời xe; phối hợp với hội phụ huynh làm việc với các đơn vị kinh doanh vận tải.

“Yêu cầu thực hiện đầy đủ quy định về an toàn giao thông đối với phương tiện và người lái xe, tuyệt đối không hợp đồng vận chuyển đưa đón HS đối với các đơn vị vận tải không bảo đảm các điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô”, nội dung văn bản thể hiện.

Ghi rõ trong hợp đồng vận chuyển giữa cơ sở giáo dục và đơn vị kinh doanh vận tải những yêu cầu, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan về an toàn giao thông, bảo vệ sức khỏe cho HS khi ngồi trên xe và khi lên, xuống xe.

“Trên xe cần có người chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra danh sách HS, duy trì trật tự, vệ sinh và hướng dẫn, nhắc nhở HS thực hiện các quy định và kỹ năng an toàn khi ngồi trên xe và khi lên, xuống xe ô tô”, văn bản nhấn mạnh.

Bài, ảnh: SA HUỲNH

 
;
.