Những phút bốc đồng gây họa

Thứ Sáu, 10/11/2023, 19:41 [GMT+7]
In bài này
.

Rất nhiều vụ gây rối trật tự công cộng (GRTTCC) bị cơ quan công an khởi tố, tòa án đưa ra xét xử thời gian qua, mà phần lớn người thực hiện hành vi phạm pháp là thanh, thiếu niên. Nhiều trường hợp chưa ý thức được hậu quả của việc mình làm.

Công an TX.Phú Mỹ khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 6 thanh thiếu niên tại địa phương để điều tra tội “gây rối trật tự công cộng”.
Công an TX.Phú Mỹ khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 6 thanh thiếu niên tại địa phương để điều tra tội “gây rối trật tự công cộng”.

Chạy xe biểu diễn, quậy phá

Từ tháng 10 đến nay, công an nhiều địa phương khởi tố hàng loạt vụ án và bị can về hành vi GRTTCC do lái xe, di chuyển trên đường vi phạm quy định pháp luật. Đơn cử, ngày 9/11, Công an TP.Vũng Tàu khởi tố bị can, tạm giam 5 thanh niên ngụ tỉnh Bình Dương và Đồng Nai để điều tra về hành vi GRTTCC.

Trước đó, chiều 25/3, nhóm thanh niên điều khiển 3 xe ô tô từ Bình Dương và Đồng Nai, xuống TP.Vũng Tàu ăn uống, du lịch. Khuya cùng ngày, khi ra về trên đường 2/9, phường 11 (TP.Vũng Tàu), cả nhóm dừng xe ô tô, lên ý tưởng và sau đó quay clip đua xe, chạy xe biểu diễn (drift) để đăng lên Tiktok.

Tương tự, Công an TX.Phú Mỹ vừa khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can 6 thanh thiếu niên tại địa phương để điều tra về hành vi GRTTCC. 6 thanh thiếu niên này đã tụ tập để nẹt pô, rú ga, gây mất an ninh trật tự và trật tự an toàn giao thông tại khu vực đường số 2, KCN Cái Mép (TX.Phú Mỹ). Thậm chí, nhóm này còn quay hành vi vi phạm và đăng lên Tiktok để “khoe”.

Theo luật sư Nguyễn Trí Độ, Đoàn Luật sư tỉnh, hành vi GRTTCC ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân. Người có hành vi GRTTCC có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, mức nặng có thể bị truy tố hình sự, với hình phạt cao nhất là 7 năm tù.

“Nhiều người nghĩ rằng chỉ khi nào đánh nhau, hỗn chiến, tụ tập cản trở giao thông… mới là hành vi GRTTCC. Điều này là chưa đầy đủ theo các quy định của pháp luật. Những hành vi gây rối cụ thể, đa phần có quy định tại Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Nhiều hành vi mà chúng ta không ngờ đến như: thả rông động vật nuôi trong đô thị; Không mang đủ hồ sơ tài liệu khi điều khiển phương tiện bay không người lái siêu nhẹ; Khiêu khích người khác; Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển đèn trời; đổ, ném chất thải hoặc gạch đá vào người, đồ vật, tài sản của người khác. Thậm chí, quấy rối tình dục, khiêu dâm… cũng là hành vi GRTTCC”, luật sư Độ phân tích.

Tiếp tục tuyên truyền, xử lý nghiêm 

Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, tiến sĩ Vũ Xuân Hướng, Trưởng Khoa Ngoại ngữ và Khoa học xã hội, Trường Đại học Bà Rịa- Vũng Tàu cho rằng, nguyên nhân người trẻ vi phạm pháp luật nói chung và có hành vi GRTTCC nói riêng là do nhóm đối tượng này thiếu tự tin vào bản thân. Các em cần có sự ghi nhận từ bạn bè hay cộng đồng xã hội để cân bằng tâm lý, tạo hứng thú trong cuộc sống. Trong khi, người trẻ chưa có những hoạt động cần thiết, hữu ích để làm gia tăng giá trị cho cộng đồng, nâng cao giá trị bản thân. Cùng với đó là ý thức và trách nhiệm tuân thủ pháp luật còn hạn chế.

Theo tiến sĩ Hướng, để ngăn ngừa thanh thiếu niên phạm tội cần phải tuyên truyền kiến thức pháp luật, chế tài xử lý nghiêm khắc và nêu rõ ý thức trách nhiệm cá nhân liên quan. Các bạn trẻ khi tham gia mạng xã hội phải luôn cân nhắc, cẩn trọng trong lời nói, hành động, để không vi phạm chuẩn mực đạo đức cộng đồng và quy định pháp luật.

“Chúng ta cần xem xét đặc điểm cá nhân, nhóm các đối tượng để từ đó định hướng, hướng dẫn cho giới trẻ tham gia vào những hoạt động phù hợp, hữu ích. Để người trẻ được ghi nhận, thể hiện giá trị bản thân theo chiều hướng tích cực phù hợp với lợi ích chung của xã hội, cộng đồng”, tiến sĩ Hướng chia sẻ.

Bài, ảnh: MẠNH QUÂN

;
.