Gây tai nạn và bỏ chạy bị xử lý như thế nào?

Thứ Năm, 12/10/2023, 19:19 [GMT+7]
In bài này
.

Gây tai nạn giao thông (TNGT) và bỏ chạy khỏi hiện trường là hành vi bị cấm, là tình tiết tăng nặng khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xe ô tô gây tai nạn tại đường Hạ Long, phường 2, nhưng bỏ chạy về đường Nguyễn Thiện Thuật, phường Thắng Nhất (TP.Vũng Tàu).
Xe ô tô gây tai nạn tại đường Hạ Long, phường 2, nhưng bỏ chạy về đường Nguyễn Thiện Thuật, phường Thắng Nhất (TP.Vũng Tàu).

Bỏ mặc người bị nạn là vi phạm đạo đức và pháp luật

Trở lại với vụ tai nạn xảy ra cách đây gần 1 tuần: khuya 5/10, xe ô tô lưu thông trên đường Hạ Long (TP.Vũng Tàu), khi đến gần chùa Từ Quang, bất ngờ tông vào nhiều xe máy đang lưu thông cùng chiều phía trước. Sau khi xảy ra tai nạn, tài xế lái xe bỏ chạy. Tại hiện trường, các xe máy bị hư hỏng nằm ngổn ngang. May mắn vụ tai nạn chỉ làm một người bị thương.

Chiếc ô tô sau đó được lực lượng chức năng phát hiện đậu tại đường Nguyễn Thiện Thuật, phường Thắng Nhất (TP.Vũng Tàu) nên đưa về trụ sở Công an TP.Vũng Tàu để điều tra. Người điều khiển xe ô tô là ông N.T.T (SN 1999, trú tại đường Bình Giã, phường Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu) đã đến cơ quan công an trình diện.

Vụ tai nạn không để lại hậu quả nghiêm trọng, nhưng đã làm dấy lên sự phản ứng của dư luận về hành vi tự ý rời khỏi hiện trường. Nhiều người nghi ngờ về tình trạng của người lái khi gây tai nạn. Trong trường hợp này, do tài xế lái xe rời khỏi hiện trường đến hôm sau mới trình diện, nên việc bị người dân nghi ngờ là khó tránh khỏi.

Trung tá Phan Quốc Việt, Đội trưởng Đội CSGT và Trật tự (Công an TP.Vũng Tàu) cho biết, bỏ chạy sau khi gây tai nạn tuỳ theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Nhưng xét về mặt đạo đức, hành vi này không thể chấp nhận được và gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

Gây tai nạn bỏ trốn khỏi hiện trường, bỏ mặc người bị nạn không chỉ vi phạm về mặt đạo đức, quy tắc ứng xử mà còn là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Có thực tế là sau khi uống bia, rượu và gây tai nạn, người lái thường nghĩ đến việc rời khỏi hiện trường để “xóa dấu vết bia, rượu”. Nhưng ít người hiểu thấu đáo rằng, thay vì bỏ trốn khỏi hiện trường, việc ở lại cấp cứu người bị nạn sẽ giảm thiểu tối đa nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.  

Tình tiết tăng nặng khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo Luật sư Nguyễn Văn Cảnh, Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định, người điều khiển phương tiện giao thông và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm: dừng ngay phương tiện, giữ nguyên hiện trường, cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Đồng thời ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu. Trong trường hợp người gây tai nạn bị đe dọa đến tính mạng thì được phép rời hiện trường, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất. Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền. Việc bỏ trốn sau khi gây tai nạn là hành vi bị nghiêm cấm.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, giờ đầu tiên khi TNGT được coi là “giờ vàng” với nạn nhân vì trong khoảng thời gian này, nếu cấp cứu kịp thời, khả năng nạn nhân được cứu sống cao hơn và hạn chế sự gia tăng mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Việc cấp cứu kịp thời và bảo đảm các yếu tố có thể làm giảm tỷ lệ tử vong đến 25%.

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, gây TNGT mà không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không cấp cứu người bị nạn sẽ bị phạt tiền từ 16-18 triệu đồng (đối với người điều khiển xe ô tô) và phạt tiền từ 6-8 triệu đồng (đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy).

Trong trường hợp làm chết người và bỏ chạy sau khi gây tai nạn được xem là tình tiết tăng nặng, người lái xe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017).

Cụ thể, người nào tham gia giao thông mà làm chết hoặc làm tổn hại sức khỏe của 1 người từ 61% trở lên; gây tổn hại cho sức khỏe 2 người từ 31-60% hoặc gây thương tích, tổn hại cho sức khỏe 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của họ từ 61% đến 121% thì bị phạt tiền từ 30 đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

Bên cạnh đó, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: không có giấy phép lái xe theo quy định; trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng; gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; làm chết 2 người…

Bài, ảnh: PHƯỚC AN

;
.