Hành vi trộm cắp điện với giá trị sản lượng từ 2 triệu đồng trở lên thì người có thẩm quyền thụ lý vụ việc phải chuyển hồ sơ vi phạm đến cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, người dân không nên vi phạm để tránh mất tiền và những hệ lụy về sau.
Thanh tra viên Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu lập biên bản đối với một khách hàng có hành vi trộm cắp điện. |
Chuyển vụ trộm cắp điện sang công an
Thanh tra Sở Công thương vừa có văn bản chuyển hồ sơ vi phạm sử dụng điện của bà T.T.C. (ngụ huyện Châu Đức) gửi Công an huyện Châu Đức.
Theo đó, ngày 24/4, qua công tác kiểm tra, Điện lực Châu Đức phát hiện hộ khách hàng T.T.C. tự ý dùng 1 đoạn dây câu trực tiếp pha lửa trước công tơ điện, đầu còn lại được đấu vào CB đặt trong nhà và sử dụng cho một số thiết bị điện mà không qua công tơ. Khi đoàn kiểm tra tiến hành tách pha lửa tại cầu dao tổng, thì một số thiết bị diện trong nhà vẫn hoạt động bình thường mà không qua công tơ điện. Điện lực Châu Đức đã lập biên bản kiểm tra sử dụng điện và biên bản làm việc đối với bà C.
Theo bà C. trình bày, khoảng tháng 11/2022, bà có gọi thợ hàn tới sửa chữa chuồng heo. Sau đó thợ hàn đấu dây điện trước công tơ nhưng bà không biết như thế là vi phạm. “Vì không biết hành vi câu móc trộm điện là sai nên tôi đã vi phạm. Tôi sẽ không bao giờ tái phạm, mong cơ quan chức năng giảm nhẹ mức phạt”, bà C. nói.
Ngày 25/4, Điện lực Châu Đức có biên bản thỏa thuận tính toán bồi thường. Theo đó, bà C. xác nhận sản lượng điện trộm cắp là 5.144 kWh và số tiền bồi thường cho Điện lực Châu Đức gần 15 triệu đồng. Bà C. đồng ý và nộp đầy đủ số tiền vi phạm sử dụng điện đã vi phạm.
Tuy nhiên, qua xác minh vụ việc, Thanh tra Sở Công thương cho rằng do giá trị sản lượng điện trộm cắp gần 15 triệu đồng thuộc hành vi trộm cắp điện với giá trị sản lượng điện trộm cắp từ 2 triệu đồng trở lên. Cho nên vụ việc phải chuyển hồ sơ đến cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 9, điều 12, Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực được sửa đổi bổ sung tại khoản 15, điều 2, Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/1/2022 của Chính phủ. Do đó, Thanh tra Sở Công thương đã chuyển hồ sơ vi phạm của bà C. đến Công an huyện Châu Đức để xử lý theo thẩm quyền.
Theo báo cáo của Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu, trong năm 2022, toàn công ty đã thực hiện 99.010 lượt kiểm tra sử dụng điện, phát hiện 6 vụ vi phạm sử dụng điện, truy thu 5.981 kWh, tương đương hơn 20 triệu đồng.
|
Sẽ bị phạt nặng
Tại huyện Châu Đức, trong vài tháng đầu năm 2023 đã phát hiện 2 vụ trộm cắp điện với sản lượng điện trộm cắp hơn 6.100 kWh, truy thu số tiền hơn 17 triệu đồng. Gần đây nhất, ngày 19/5, Điện lực Châu Đức đã ra quyết định xử phạt ông V.A. (ngụ xã Bình Trung) 10 triệu đồng về hành vi trộm cắp điện với giá trị sản lượng điện trộm cắp từ 1 đến dưới 2 triệu đồng. Ông V.A. đã tự nguyện nộp số tiền gần 2 triệu đồng cho Điện lực Châu Đức để khắc phục hậu quả.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Kiểm tra viên Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/1/2022 , trong đó điều chỉnh điều 12 của Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.
Theo đó, người dân sẽ bị phạt tiền từ 4-10 triệu đồng với hành vi trộm cắp điện có giá trị sản lượng điện trộm cắp dưới 1 triệu đồng; phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi trộm cắp điện có giá trị sản lượng điện trộm cắp từ 1 triệu đồng đến dưới 2 triệu đồng.
“Khi cơ quan chức năng phát hiện hành vi trộm cắp điện với giá trị sản lượng điện trộm cắp từ 2 triệu đồng trở lên thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm đến cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 4, điều 62, Luật Xử lý vi phạm hành chính”, ông Nguyễn Hoàng Anh thông tin.
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Anh, hành vi vô ý gây sự cố hệ thống điện của bên bán điện hay tự ý cấp điện cho tổ chức, cá nhân khác sẽ bị phạt từ 3-5 triệu đồng. Phạt 5-8 triệu đồng đối với hành vi tự ý lắp đặt, đóng, cắt, sửa chữa, di chuyển, thay thế các thiết bị điện và công trình điện của bên bán điện.
Ngoài ra, người dân còn bị phạt từ 10-14 triệu đồng đối với một trong các hành vi như: gây hư hại, tự ý di chuyển hệ thống đo đếm điện; sử dụng các thiết bị với mục đích gây nhiễu làm hư hại thiết bị truyền số liệu, đo lường, bảo vệ của hệ thống điện.
Theo luật sư Nguyễn Trí Độ, Đoàn Luật sư tỉnh, điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định rõ về việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự. Cơ quan công an qua điều tra sẽ xem xét, nếu đủ căn cứ xử lý trách nhiệm hình sự thì tùy hành vi và mức độ vi phạm sẽ truy tố đối tượng tội “trộm cắp tài sản” theo quy định tại điều 173, Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, khung hình phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm tùy theo số tiền chiếm đoạt và mức độ vi phạm. Ngoài xử lý hình sự, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng. Vì vậy, người dân tuyệt đối không được trộm cắp điện để tránh bị phạt tiền, nặng hơn là bị xử lý hình sự.
Bài, ảnh: MẠNH QUÂN