VỤ XÂM PHẠM NHÃN HIỆU BIA SAIGON CỦA SABECO

Tranh cãi bia Sài Gòn có phải nhãn hiệu nổi tiếng?

Thứ Năm, 09/03/2023, 18:51 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 9/3, TAND tỉnh mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” đối với pháp nhân thương mại Công ty CP Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam và ông Lê Đình Trung (SN 1967, ngụ TP.Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam).

Pháp nhân thương mại Công ty CP Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam và ông Lê Đình Trung bị xét xử về tội “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”
Pháp nhân thương mại Công ty CP Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam và ông Lê Đình Trung bị xét xử về tội “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”.

Cáo buộc xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

Theo cáo trạng, ông Trung từng làm việc nhiều năm tại Tổng Công ty CP Bia Rượu- Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Sau khi nghỉ việc, tháng 5/2019, ông Trung thành lập Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam (gọi tắt là Công ty Bia Sài Gòn Việt Nam, trụ sở chính tại 264 Lê Thánh Tôn, phường Bến Thành, quận 1, TP.Hồ Chí Minh) gồm 3 cổ đông. Ông Trung góp vốn 70%, bà Trần Thị Ái Loan cùng 1 người khác mỗi người góp 15% vốn.

Dù chưa được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Bia Saigon Vietnam”, nhưng ông Lê Đình Trung vẫn nhân danh công ty tiến hành thỏa thuận các nội dung cơ bản để bà Trần Thị Ái Loan (người đại diện theo pháp luật của công ty thời điểm đó) ký hợp đồng hợp tác sản xuất và mua bán hàng hóa với ông V. (chủ cơ sở sản xuất bia ở TP.Bà Rịa) về việc sản xuất sản phẩm “Bia Saigon Vietnam” với quy mô lớn, bán ra thị trường.

Tổng sản phẩm mà cơ sở của ông V. sản xuất cho công ty là 8.912 thùng “Bia Saigon Vietnam”. Trong đó, công ty đã xuất bán ra thị trường 3.300 thùng, thu về hơn 578 triệu đồng và hơn 5.600 thùng bia lon (dùng để biếu, tiếp thị và bị cơ quan chức năng thu giữ) trị giá gần 894 triệu đồng. Theo điều tra, mỗi thùng bia Công ty Bia Sài Gòn Việt Nam thu lợi hơn 29.000 đồng, chưa tính chi phí khác. Hàng hóa vi phạm có tổng trị giá hơn 1,4 tỷ đồng.

vỏ sản phẩm của Công ty CP Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam (lon bên phải) và bia Sài Gòn - sản phẩm của Sabeco
Vỏ sản phẩm của Công ty CP Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam (lon bên phải) và bia Sài Gòn - sản phẩm của Sabeco.

Cơ quan giám định thuộc Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) xác định dấu hiệu trình bày trên vỏ lon Bia Saigon Vietnam; hình khiên đứng; hình con rồng gắn trên mặt trước và sau lon bia, thùng đựng bia “là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Bia Saigon” - được bảo hộ thuộc sở hữu của Sabeco.

Sau khi vụ làm nhái bia bị phát hiện, Công ty bia Sài Gòn Việt Nam dừng hoạt động. Cuối tháng 11/2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã từ chối cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với doanh nghiệp này.

Tháng 5/2021, vụ án được đưa ra xét xử và HĐXX tuyên trả hồ sơ để xác minh làm rõ Bia Sài Gòn có phải là nhãn hiệu nổi tiếng và phải định giá số lượng bia bị làm nhái hay không. Tháng 9/2022, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ thông báo kết quả giám định nhãn hiệu Bia Sài Gòn (của Sabeco) đủ điều kiện được coi là nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam. 

Cáo trạng xác định Công ty bia Sài Gòn Việt Nam và ông Lê Đình Trung có hành vi sản xuất bia mang nhãn hiệu “Bia Sài Gòn Việt Nam”, sản phẩm có kiểu dáng nhãn hiệu có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa đối với nhãn hiệu “Bia Sài Gòn” đã được bảo hộ thuộc sở hữu của Sabeco với quy mô thương mại. Hành vi nêu trên đã phạm vào tội “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” quy định tại khoản 2, điều 226, Bộ luật Hình sự.

Chưa có quy định công nhận nhãn hiệu nổi tiếng

Khai tại phiên tòa, bị cáo Trung cho rằng bản thân muốn tạo ra một thương hiệu, sản phẩm tốt của người Việt Nam. Ông không có động cơ, mục đích làm thiệt hại cho Sabeco. “Bị cáo thừa nhận sai phạm của mình và mong được HĐXX cân nhắc xử phạt khoan hồng để có điều kiện khắc phục hậu quả”, bị cáo Trung nói. 

Các luật sư bào chữa cho bị cáo Trung cũng cho rằng yếu tố nhầm lẫn giữa 2 nhãn hiệu của Sabeco và của Công ty bia Sài Gòn Việt Nam là không rõ ràng. Đồng thời ông Trung cũng mới sản xuất thử nghiệm, không phải quy mô thương mại nên thiệt hại về vật chất đối với Sabeco là không có.

Tại phiên tòa, chủ tọa, đại diện VKSND và các luật sư bào chữa cho bị cáo đã tập trung làm rõ việc Bia Sài Gòn có phải là nhãn hiệu nổi tiếng hay không?. Trả lời vấn đề này, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng không cần thủ tục đăng ký nhãn hiệu nổi tiếng. Thực tế cũng chưa có thủ tục đăng ký nhãn hiệu nổi tiếng. Nhãn hiệu nổi tiếng là dựa vào quá trình sử dụng, được đông đảo người tiêu dùng biết đến.

Trước đó, trong văn bản trả lời tòa, Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng Bia Sài Gòn đủ điều kiện công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng chứ không khẳng định Bia Sài Gòn là nhãn hiệu nổi tiếng. Do đó, chủ tọa phiên tòa đề nghị đại diện Cục Sở hữu trí tuệ làm rõ các tiêu chí cụ thể để khẳng định nhãn hiệu nổi tiếng.

Trả lời vấn đề này, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng pháp luật không có quy định cụ thể công nhận nhãn hiệu nổi tiếng bằng hình thức văn bản, chứng nhận nào. “Tự bản thân nhãn hiệu nổi tiếng chứ không có văn bản nào chứng nhận. Và theo tôi, Bia Sai Gòn là nhãn hiệu nổi tiếng của Sabeco”, vị đại diện Cục Sở hữu trí tuệ khẳng định.

Luận tội tại phiên xét xử, đại diện VKSND tỉnh giữ nguyên quan điểm truy tố như cáo trạng và đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Lê Đình Trung từ 600- 800 triệu đồng, phạt pháp nhân Công ty bia Sài Gòn Việt Nam từ 2 - 3 tỷ đồng cùng về tội “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”.

Dự kiến phiên tòa sẽ nghị án kéo dài và tuyên án vào chiều ngày 16/3.

Bài, ảnh: MẠNH QUÂN

;
.