Phạm tội khi chưa thành niên

Thứ Ba, 07/02/2023, 20:31 [GMT+7]
In bài này
.

Có nhiều lý do khiến người chưa thành niên phạm tội, nhưng nguyên nhân sâu xa xuất phát từ sự thiếu quan tâm, buông lỏng giám sát của gia đình.

Trong 5 đối tượng thực hiện hành vi “cướp tài sản” trên địa bàn TT.Đất Đỏ ngày 31/1, nhiều em phạm tội  khi chưa đủ 18 tuổi.
Trong 5 đối tượng thực hiện hành vi “cướp tài sản” trên địa bàn TT.Đất Đỏ ngày 31/1, nhiều em phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi.
Một phút nông nổi

Mới đây ngày 1/2, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đất Đỏ đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 5 đối tượng để điều tra về hành vi “cướp tài sản”. 

Tại cơ quan công an, H.G.B. (15 tuổi, sống lang thang) khai nhận, khoảng 2 giờ sáng ngày 31/1, B. cùng V.M.T. (22 tuổi), N.T.Đ. (17 tuổi), Đ.T.H. (18 tuổi, cùng trú tại TT.Long Hải, huyện Long Điền) và T.Q.H. (18 tuổi, trú tại TP.Bà Rịa) hẹn nhau đến nơi ở của thanh niên tên T. tại TT.Đất Đỏ để giải quyết mâu thuẫn.

Khi đến nơi, nhóm này yêu cầu T. lên xe chở đi chơi. T. không đồng ý nên bị nhóm dùng tay và nón bảo hiểm đánh nhưng T. chạy thoát. Nhóm này lấy điện thoại Iphone 11 Pro max cùng xe máy hiệu Vision của T., sau đó đem điện thoại vừa chiếm đoạt đi bán lấy 2 triệu đồng cùng nhau tiêu xài, còn chiếc xe Honda Vision thì bỏ lại ở một quán cà phê tại TT.Long Hải.

Trước đó, ngày 23/1, Công an xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) bắt được D.K.Q. (17 tuổi, trú tại xã Bình Châu) bị truy nã về tội “cố ý gây thương tích”. Q. gây án trên địa bàn rồi bỏ trốn nên Công an huyện Xuyên Mộc ra quyết định truy nã. 

Đây là 2 trong nhiều vụ án mà người phạm tội khi đang ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. 

Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện đã xảy ra một số vụ việc vi phạm pháp luật mà nghi phạm là các thanh, thiếu niên dưới 18 tuổi. Các em dù tuổi đời còn rất trẻ (cả nam và nữ) nhưng khi có xích mích với nhau trên mạng xã hội đã sẵn sàng rủ rê bạn bè đến để giải quyết mâu thuẫn theo hướng bạo lực, dẫn đến vi phạm pháp luật. Đa số các em trong vụ việc đã bỏ học, lêu lổng, khiếm khuyết về mặt gia đình (ba, mẹ ly hôn) nên không có sự quan tâm uốn nắn kịp thời. Bên cạnh đó, có những em tuổi mới 13, 14 tuổi nhưng thường xuyên tụ tập ăn chơi, sử dụng ma túy, dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật.
Công an huyện đã chỉ đạo công an các xã, thị trấn trên địa bàn nắm tình hình, đối tượng thanh thiếu niên bỏ học sớm có nguy cơ vi phạm pháp luật để phối hợp với gia đình, cơ quan, ban, ngành, địa phương để tuyên truyền, gọi hỏi răn đe.
(Thượng tá Nguyễn Quyền, Phó Trưởng Công an huyện Đất Đỏ)

Cha mẹ cần quan tâm, gần gũi con 

Luật sư Nguyễn Văn Cảnh, Giám đốc Công ty Luật Nguyễn Cảnh cho biết, Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Không áp dụng hình phạt tù chung thân, tử hình người dưới 18 tuổi; người từ 14 đến dưới 16 tuổi thì hình phạt tù cao nhất không quá 12 năm; đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi thì hình phạt tù cao nhất không quá 18 năm tù. Trường hợp áp dụng tù có thời hạn, hình phạt với người dưới 18 tuổi sẽ không quá 3/4 mức hình phạt so với người đã thành niên...

Như vậy, chính sách pháp luật hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội ở Việt Nam có những thay đổi theo hướng khoan hồng, nhân đạo hơn, tạo điều kiện cho người dưới 18 tuổi có cơ hội sửa chữa lỗi lầm, là phù hợp với luật pháp quốc tế, bảo đảm quyền con người, thể hiện tính nhân văn, hướng thiện và chú trọng giải pháp phòng ngừa.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, trường hợp người dưới 14 tuổi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng do chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên không được coi là tội phạm. Người phạm tội dưới 18 tuổi cũng thực hiện hành vi phạm tội rất tinh vi, côn đồ, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Trong cơ cấu tội phạm, nhóm người trẻ tuổi trở thành tội phạm ngày càng nhiều.

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Lan Phương cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Độ tuổi thanh thiếu niên là độ tuổi phát triển nhanh chóng về thể chất nhưng tâm sinh lý có những bất ổn, thậm chí nổi loạn, thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc dẫn đến thực hiện những hành vi có tính chất bộc phát, thiếu sự điều khiển của lý trí, có thể dẫn đến hành vi phạm tội. Một nguyên nhân nữa là trẻ sống trong môi trường thiếu lành mạnh, bị bạn bè xấu lôi kéo…

Để ngăn ngừa tình trạng trên, chuyên gia tâm lý Lan Phương cho rằng, các ban, ngành, đoàn thể địa phương cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các quy định của pháp luật cho thanh, thiếu niên. Nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, vùng, miền, dân cư, giúp các tầng lớp nhân dân hiểu được tâm lý thanh, thiếu niên để chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm do người ở tuổi vị thành niên gây ra.

Việc giáo dục đạo đức phải kết hợp giáo dục pháp luật và kỹ năng sống để trẻ phát triển toàn diện, không chỉ nhận thức được kiến thức khoa học mà còn biết vận dụng, ứng xử trong đời sống xã hội. Khi trẻ được giáo dục ý thức tôn trọng, biết sẻ chia, sống có đạo lý thì nguy cơ trở thành tội phạm sẽ giảm thấp hơn. Nhà nước cũng cần ban hành và thực hiện các quy phạm pháp luật để quản lý chặt chẽ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Đồng thời, nghiêm cấm, xử lý kịp thời các hoạt động kinh doanh có tính bạo lực, kích động bạo lực, lôi kéo làm ảnh hưởng xấu đến sự hình thành nhân cách của trẻ em. 

“Gia đình phải là chủ thể quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống; kiểm soát được các mối quan hệ xã hội của chính con em mình để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hành vi lệch lạc, sai trái”, chuyên gia tâm lý Lan Phương nhấn mạnh.

Bài, ảnh: PHƯỚC AN

 
;
.