''Đã uống rượu bia thì không lái xe''

Thứ Hai, 16/01/2023, 20:20 [GMT+7]
In bài này
.

“Đã uống rượu bia thì không lái xe” không còn xa lạ, nhưng mỗi dịp Tết đến vẫn còn nhiều trường hợp cố tình điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu bia. Vì vậy, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn đã và đang được lực lượng chức năng tăng cường.

Lực lượng CSGT-Công an TP.Vũng Tàu kiểm tra nồng độ cồn 1 người điều khiển phương tiện.
Lực lượng CSGT-Công an TP.Vũng Tàu kiểm tra nồng độ cồn 1 người điều khiển phương tiện.

Tết là dịp mọi người có thói quen sử dụng rượu bia trong giao lưu, gặp gỡ, sum họp và đã trở thành phong tục. Theo đánh giá của lực lượng chức năng, TNGT trong dịp Tết Nguyên đán luôn diễn biến phức tạp, tăng cao hơn so với bình thường.

Nguyên nhân chính là tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia; tập quán sử dụng nhiều rượu, bia trong dịp Tết của người dân. Theo thống kê của Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an), trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2023 vừa qua, cả nước có gần 5.000 tài xế vi phạm nồng độ cồn bị xử lý.

Để hạn chế TNGT do rượu bia gây ra, Trung tá Nguyễn Xuân Tân, Phó Đội CSGT và Trật tự, Công an TP.Vũng Tàu cho biết, thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên Đán, lực lượng CSGT đẩy mạnh tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người dân, thực hiện nghiêm “Đã uống rượu bia, không lái xe”.

Theo Đại tá Lê Văn Ninh, Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh, lực lượng chức năng của tỉnh sẽ tuần tra, xử lý nghiêm những trường hợp điều khiển phương tiện tham gia giao thông có sử dụng rượu, bia. Bên cạnh công tác xử lý vi phạm, lực lượng công an cũng tăng cường các biện pháp bảo đảm ATGT.

Theo đó, Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng CSGT chủ động nắm, dự báo tình hình về TTATGT để xây dựng, triển khai, thực hiện các kế hoạch, phương án bảo đảm TTATGT như tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT; phòng ngừa, làm giảm TNGT, hạn chế ùn tắc giao thông trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão tại các địa điểm tổ chức chợ hoa, chợ Tết, khu vui chơi, bắn pháo hoa, lễ hội,  bến xe, bến tàu, nhà ga có mật độ phương tiện tham gia giao thông.

Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, đối với người điều khiển xe máy: Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng nếu nồng độ cồn chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở; phạt tiền từ 4-5 triệu đồng nếu vượt quá 0,25-0,4 miligam/lít khí thở; phạt tiền từ 6-8 triệu đồng nếu vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở.
Đối với người điều khiển ô tô: Phạt tiền từ 6-8 triệu đồng nếu nồng độ cồn chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở; phạt tiền từ 16-18 triệu đồng nếu vượt quá 0,25-0,4 miligam/lít khí thở; phạt tiền từ 30-40 triệu đồng nếu vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở.
Ngoài ra, tương ứng với từng mức độ vi phạm, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10-12 tháng, 16-18 tháng và 22-24 tháng.

Trong đó, tập trung xử lý các hành vi vi phạm về “cơi nới” thùng xe và chở hàng quá trọng tải, quá khổ giới hạn, nồng độ cồn, ma túy, chở quá khách, chạy quá tốc độ quy định...

Sử dụng triệt để các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT, ùn tắc giao thông. Căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương, công an các đơn vị, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch và phương án bố trí lực lượng bảo đảm TTATGT cho phù hợp, bảo đảm nắm chắc, kiểm tra, kiểm soát, xử lý và quản lý tốt tình hình, không để tình trạng phức tạp về  TTATGT xảy ra.

Bài, ảnh: TRÍ NHÂN

;
.