.

Tội phạm mua bán người thường giăng bẫy qua mạng xã hội

Cập nhật: 19:56, 29/08/2022 (GMT+7)

Thời gian vừa qua, hoạt động của tội phạm mua bán người trên địa bàn cả nước diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Trước thực tế đó, lực lượng công an triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này.

Vụ án mua bán người được TAND tỉnh đưa ra xét xử giữa tháng 8/2022.
Vụ án mua bán người được TAND tỉnh đưa ra xét xử giữa tháng 8/2022.

Dụ dỗ bằng nhiều mánh khóe

Theo cơ quan công an, đối tượng mua bán người thường sử dụng mạng xã hội như: Zalo, Facebook, sử dụng hình ảnh, tên, địa chỉ giả để kết bạn làm quen với phụ nữ, trẻ em gái, tán tỉnh yêu đương hoặc người có nhu cầu tìm việc làm ở nước ngoài với mức lương cao, hứa hẹn và dẫn họ tổ chức vượt biên sang Trung Quốc, Lào, Campuchia rồi đón ép bán làm vợ, bán vào các ổ mại dâm, các sòng bài tại Campuchia, Myanmar…

Đặc biệt, các đối tượng còn lập tài khoản trên mạng với tên giả; dùng “tiền” làm mồi nhử, thông qua mạng lưới cò mồi đến các địa phương, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa dụ dỗ, lôi kéo những người có nhu cầu xuất khẩu lao động với chi phí thấp, mức lương cao, thủ tục đơn giản, tổ chức xuất cảnh ra nước ngoài, sau đó, bán để cưỡng bức lao động hoặc dùng bạo lực khống chế đòi tiền chuộc.

Giữa tháng 8/2022, TAND tỉnh đã mở phiên xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Nguyễn Thị Mỹ Phượng (SN 2000) 14 năm tù, Nguyễn Thị Mỹ Linh (SN 1997, cùng ngụ huyện Long Điền) và Nguyễn Thanh Hoài Nam (SN 1989, quê tỉnh Vĩnh Long) cùng 8 năm tù về tội “mua bán người”. Các đối tượng trên đã sử dụng mạng xã hội và mối quan hệ sẵn có, dụ dỗ các cô gái trẻ sang Trung Quốc lấy chồng.

Mới đây,  anh L.N.Ch (SN 1999, trú tại huyện Châu Đức) đã đến Công an xã Xà Bang (huyện Châu Đức) trình báo vụ việc chị T.N.H.T (SN 2000, vợ của anh Ch.) nghi bị nhóm lừa đảo lao động bán sang Campuchia. Theo trình báo của anh Ch., vợ anh dẫn con gái lên TP.Hồ Chí Minh từ ngày 18/8. Đến ngày 22/8, vợ anh bất ngờ nhắn tin cầu cứu và cho biết mình bị bán sang Campuchia để lao động cho một công ty do người Trung Quốc quản lý. Qua nhiều lần ngã giá, anh Ch. cho biết đến nay nhóm người nghi bán vợ anh sang Campuchia đòi tiền chuộc 80 triệu đồng nếu không sẽ bán sang Thái Lan và không được gặp lại gia đình. Nếu gia đình khó khăn về kinh tế sẽ cho trả trước 30 triệu để đặt cọc không bị bán đi, sau khi chuyển đủ số tiền sẽ trả người tại cửa khẩu.

Hiện vụ việc đang được cơ quan công an phối hợp với các lực lực chức năng khẩn trương xác minh, điều tra.

Cần bình tĩnh khi rơi vào bẫy

Thượng tá Vũ Bình Long, Phó Trưởng Phòng CSHS-Công an tỉnh cho biết, nạn nhân của tội phạm mua bán người thường tập trung ở vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa… Đa số có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, gặp những chuyện buồn về tình cảm, thiếu hiểu biết xã hội và kỹ năng sống, nhận thức hạn chế, nhẹ dạ, cả tin hoặc một số cô gái trẻ thích hưởng thụ, ăn chơi, đua đòi, dễ tin theo lời hứa hẹn của đối tượng về việc làm ổn định, thu nhập cao hoặc lấy chồng người nước ngoài khá giả, dẫn đến bị lừa bán. 

“Nếu không may trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, nạn nhân cần bình tĩnh, giữ thông tin bí mật không để các đối tượng nghi ngờ; tìm cách báo cho gia đình, người thân hoặc cơ quan nhà nước nơi gần nhất hoặc cơ quan nhà nước sở tại về địa điểm, địa danh của mình để được hướng dẫn, giúp đỡ giải cứu an toàn”, Thượng tá Vũ Bình Long nói.

Để ngăn chặn tình trạng mua bán người, thời gian tới lực lượng công an tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường đấu tranh làm rõ, xử lý nghiêm các hành vi liên quan đến tội phạm mua bán người. Bên cạnh đó, cơ quan công an phối hợp với ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương tuyên truyền, giáo dục trong hệ thống nhà trường và trong cộng đồng về phòng chống tội phạm, hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng.

Bài, ảnh: TRÍ NHÂN-TRẦN TIẾN

.
.
.