Tăng cường quản lý xe tập lái

Thứ Sáu, 12/08/2022, 19:41 [GMT+7]
In bài này
.

Cơ quan chức năng vừa có cuộc kiểm tra việc quản lý xe tập lái tại các trung tâm sát hạch lái xe nhằm bảo đảm mức độ an toàn cho loại xe này khi lưu thông trên đường.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và sát hạch lái xe Đặng Lâm (TP.Bà Rịa) đảm bảo các cơ sở vật chất để dạy học lái xe cho các học viên.
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và sát hạch lái xe Đặng Lâm (TP.Bà Rịa) đảm bảo các cơ sở vật chất để dạy học lái xe cho các học viên.

Ông Nguyễn Đỗ Hải Thuận, Phó Giám đốc Sở GT-VT cho biết, hiện nay sở đang quản lý 7 cơ sở đào tạo lái xe ô tô. Trong đó có 5 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, 2 cơ sở vừa đào tạo lái xe ô tô và mô tô. Công tác quản lý “xe tập lái” giao cho các trung tâm đào tạo sát hạch lái xe trực tiếp thực hiện. Sở GT-VT sẽ làm công tác kiểm tra, để giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định của các cơ sở đào tạo lái xe về công tác quản lý phương tiện.

Sở GT-VT đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát công tác quản lý xe tập lái tại các Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, ngày 11/8, Sở GT-VT cũng đã tổ chức cuộc họp với các đơn vị để đánh giá lại công tác quản lý phương tiện.

Qua làm việc, hầu hết các trung tâm đều thực hiện tốt công tác quản lý xe tập lái theo quy định. Xe tập lái khi đưa vào hoạt động phải thuộc sở hữu của cơ sở đào tạo lái xe. Cơ sở đào tạo lái xe có thể sử dụng xe hợp đồng thời hạn từ 1 năm trở lên, nhưng với số lượng không vượt quá 50% số xe sở hữu cùng hạng tương ứng. Đối với xe tập lái hạng FC có thể sử dụng xe hợp đồng với thời hạn và số lượng phù hợp với nhu cầu đào tạo.

Các xe tập lái đều có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ còn hiệu lực; có hệ thống phanh phụ bố trí bên ghế ngồi của giáo viên dạy thực hành lái xe, kết cấu chắc chắn, thuận tiện, an toàn, bảo đảm hiệu quả phanh trong quá trình sử dụng...

Ai phải chịu trách nhiệm khi xe tập lái gây tai nạn?
Về trách nhiệm hình sự: Xe tập lái khi tham gia giao thông phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn được quy định tại Thông tư số 58/2015/TT-BGTVT và các quy tắc của Luật Giao thông đường bộ. Nếu vi phạm các quy định này trách nhiệm hình sự sẽ được đặt ra đối với Trung tâm dạy nghề, người dạy lái hoặc học viên học lái tùy thuộc vào hành vi và yếu tố lỗi của mỗi người chính là nguyên nhân gây ra tai nạn chết người.
Về trách nhiệm dân sự: Theo quy định tại Điều 600-Bộ luật Dân sự năm 2015 về bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra như sau: “Cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.
Trong trường hợp này học viên học lái xe của trung tâm sát hạch lái xe được xác định là người học nghề. Do đó theo quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trước tiên được đặt ra đối với chính Trung tâm sát hạch lái xe khi học viên đăng ký học  lái xe gây ra tai nạn. Sau đó, trung tâm sát hạch lái xe có quyền yêu cầu học viên học lái xe hoàn trả một phần hoặc toàn bộ khoản tiền này nếu học viên lái xe có lỗi dẫn đến tai nạn...
Luật sư Đỗ Thanh Trung, Giám đốc Công ty Luật TNHH New Key (phường 7, TP.Vũng Tàu)

Bên cạnh đó, xe tập lái và người ngồi trên xe tập lái phải đáp ứng các quy định, xe tập lái phải có giấy phép lái xe do Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở GT-VT cấp. Giáo viên thực hành phải đeo phù hiệu “Giáo viên dạy lái xe”, học viên tập lái phải đeo phù hiệu “Học viên tập lái xe”. Giáo viên dạy thực hành phải cho học viên chạy đúng tuyến đường, thời gian quy định trong giấy phép xe tập lái…

Theo lãnh đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và sát hạch lái xe Đặng Lâm (TP.Bà Rịa) cho biết, hiện nay trung tâm có hơn 100 phương tiện xe tập lái, 100% là của trung tâm đầu tư và không sử dụng xe hợp đồng bên ngoài. Về công tác quản lý các phương tiện, giáo viên và học viên lái xe, trung tâm thực hiện nghiêm theo quy định tại Thông tư 58/2015/TT-BGTVT.

Ngoài ra, trung tâm cũng tuyển đầu vào của giáo viên rất nghiêm ngặt, thường xuyên tập huấn về các kiến thức về Luật Giao thông đường bộ, kỹ năng dạy thực hành lái xe, các quy định về trách nhiệm của giáo viên… Đối với các phương tiện tập lái xe trên đường, trách nhiệm quản lý thuộc về giáo viên. Giáo viên dạy lái xe phải có trách nhiệm bảo đảm ATGT và tính mạng cho mình và học viện học lái.

Ông Nguyễn Đỗ Hải Thuận cũng cho biết, Sở đã có văn bản yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX. Đến nay, các cơ sở, đơn vị đều thực hiện đúng các quy định, đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo lái xe. “Trong thời gian tới, Sở GT-VT sẽ tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở đào tạo lái xe, đảm bảo thực hiện đầy đủ các nội dung về đào tạo lái xe, kịp thời phát hiện các vi phạm”, ông Nguyễn Đỗ Hải Thuận  chia sẻ.

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

 
;
.