VỤ GIÁM ĐỐC LỪA THÁO DỠ TÀU TRIỆU ĐÔ: Trả hồ sơ điều tra bổ sung

Thứ Ba, 09/08/2022, 18:55 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 9/8, TAND tỉnh mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Phạm Đức Thịnh (SN 1973, ngụ TX.Phú Mỹ) về các tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” và “sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Bị cáo Phạm Đức Thịnh tại phiên xét xử.
Bị cáo Phạm Đức Thịnh tại phiên xét xử.

Lừa tháo dỡ tàu triệu đô

Theo cáo trạng, Phạm Đức Thịnh thành lập và làm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thiết bị và vật tư Miền Nam (Công ty Miền Nam). Tháng 6/2015, Phạm Đức Thịnh mua tàu FSO Ba Vì của một công ty tại TP.Vũng Tàu với giá gần 7 triệu USD. Để có tiền thanh toán, Công ty Miền Nam đã thế chấp tài sản bảo đảm là tàu FSO Ba Vì với ngân hàng để vay 120 tỷ đồng. Phương án thanh toán là sau khi mua tàu sẽ lai dắt về cảng Cái Mép (TX.Phú Mỹ) để phá dỡ, bán phế liệu. Tuy nhiên, sau đó Thịnh bán tàu này cho một công ty ở Hong Kong với giá 5,8 triệu USD. Việc nhận tiền và giao tàu giữa hai bên đã hoàn thành vào cuối tháng 10/2015.

Mặc dù đã ký hợp đồng bán tàu cho đối tác nước ngoài, nhưng trong thời gian này, Thịnh lại gặp gỡ, trao đổi với ông Phạm Văn Việt (SN 1967, ngụ quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) việc đã mua được tàu FSO Ba Vì và cần vốn để lo chi phí lai dắt, thủ tục phá dỡ tàu. Thịnh đưa ông Việt đi xem tàu cũng như các giấy tờ pháp lý và rủ ông này góp 10 tỷ đồng để hoán cải thành 12 sà lan hoặc tháo dỡ lấy thiết bị và bán phế liệu. Khi tháo dỡ tàu, ông Việt sẽ nhận khoảng 14 tỷ đồng, được quyền giới thiệu khách mua sắt và được ưu tiên mua lại 2 nồi hơi của tàu.

Tháng 10/2015, ông Việt ký hợp đồng (HĐ) góp vốn với Thịnh với nội dung như trên và ngay trong tháng ông đã chuyển đủ 10 tỷ đồng cho Thịnh. Số tiền này Thịnh sử dụng trả nợ và chi phí khác. Thịnh còn thực hiện niêm phong HĐ, yêu cầu các bên phải giữ bí mật thông tin giao dịch không được tiết lộ ra ngoài. Bên nào tiết lộ thông tin thì HĐ bị hủy. Thịnh khai mục đích là để ông Việt không làm lộ thông tin và không biết tàu FSO Ba Vì bị bán đi trước đó.

Sau đó, khi không thấy tàu FSO Ba Vì được lai dắt từ Vũng Tàu về cảng Cái Mép, ông Việt đi dò hỏi thông tin mới biết tàu đã được bán ra nước ngoài. Ông Việt đòi lại tiền góp vốn thì được Thịnh trả lại 4,8 tỷ đồng vào năm 2016.

Suốt từ năm 2018 đến 2020, ông Phạm Văn Việt liên tục tố cáo Phạm Đức Thịnh đến cơ quan chức năng. Tháng 7/2020, ông Việt làm đơn tố cáo khẩn cấp Phạm Đức Thịnh đến Cơ quan an ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an. Tháng 1/2021, cơ quan này khởi tố, bắt giam Thịnh.

Tàng trữ súng và dùng giấy tờ giả

Quá trình điều tra, Cơ quan ANĐT Bộ Công an phát hiện Thịnh có hành vi tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Cụ thể, năm 2013 Thịnh nhờ người làm giả CMND mang tên của ông P.V.H (quê Hải Dương) và dán ảnh của mình. Thịnh dùng giấy tờ giả này để làm hộ chiếu và nhiều lần xuất cảnh qua Trung Quốc cũng như mở tài khoản ngân hàng, đăng ký nộp thuế, đăng ký hoạt động cho một DN khác.

Tháng 1/2021, Cơ quan ANĐT Bộ Công an khám xét chỗ ở của Thịnh (TX.Phú Mỹ) thu giữ 1 khẩu súng rulo, 1 súng bắn đạn bi và 10 viên đạn. Thịnh khai từng bị người khác bắn nên năm 2017, lo sợ có người ám hại nên lúc đi chợ tại tỉnh Lạng Sơn đã tìm mua 2 khẩu súng với giá 20 triệu đồng để phòng thân. Số súng đạn này Thịnh cất giữ tại nhà và chưa sử dụng lần nào.

Phạm Đức Thịnh và bà Hoàng Thị Ngọc Lan (SN 1970, ngụ TP. Hồ Chí Minh) từng có quan hệ tình cảm. Đầu năm 2016, do xảy ra mâu thuẫn tình cảm và chuyện làm ăn nên Thịnh đã đánh bà Lan gây thương tích. Bà Lan đã nhờ Trần Hữu Thịnh (SN 1983, quê Hải Phòng) đánh Thịnh.
Sáng 26/6/2016, Trần Hữu Thịnh mang súng K54, cùng Nguyễn Văn Toàn (32 tuổi) đi xe máy từ TP.Hồ Chí Minh xuống công trình xây dựng của Phạm Đức Thịnh ở xã Tân Hòa (TX.Phú Mỹ). Tại đây, Trần Hữu Thịnh rút súng bắn 2 phát vào người Phạm Đức Thịnh, khiến nạn nhân bị thương tật 52%. Nhóm đối tượng gây ra vụ việc sau đó đã bị TAND tỉnh tuyên phạt mức án từ 6 - 12 năm tù về tội “giết người” và “tàng trữ trái phép vũ khí quân trang quân dụng”.

Tại phiên xét xử, bị cáo Thịnh đã từ chối luật sư bào chữa, đồng thời phản bác nội dung cáo trạng. Bị cáo cho rằng việc thu thập tài liệu, chứng cứ của cơ quan điều tra không theo đúng trình tự thủ tục nên bị cáo không phạm tội. Trả lời HĐXX, bị cáo thừa nhận việc sử dụng CMND, hộ chiếu giả và tàng trữ súng đạn là sai pháp luật nhưng cho rằng việc này không cấu thành tội phạm.

Đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Thịnh cho rằng HĐ góp vốn giữa bị cáo và ông Phạm Văn Việt là HĐ giả cách, bản chất là vay nợ lẫn nhau.

Trong khi đó, bị hại Phạm Văn Việt cho biết ngoài số tiền 10 tỷ đồng trong HĐ ký kết thì bị cáo còn chiếm đoạt của ông 2 tỷ đồng. Đây là số tiền bị hại đưa trực tiếp cho Thịnh khi bị cáo trình bày việc cần thêm tiền để lai dắt tàu và nhiều chi phí phát sinh nhưng không có biên nhận và người chứng kiến.

Nhận thấy vụ án còn có nhiều tình tiết trong HĐ góp vốn và số tiền 12 tỷ đồng góp vốn giữa bị cáo Thịnh và bị hại cần làm rõ nên HĐXX quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ cho Cơ quan ANĐT Bộ Công an để điều tra làm rõ.

Bài, ảnh: MẠNH QUÂN

;
.