Khó phát hiện tham nhũng do chủ thể phạm tội rất tinh vi

Thứ Sáu, 03/06/2022, 16:33 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 3/6, Đoàn Giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh về việc chấp hành pháp luật trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế trên địa bàn tỉnh đã giám sát tại Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tỉnh. Ông Trần Tuấn Lĩnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm Trưởng Đoàn.

Đại diện Viện Kiểm sát giải trình các nội dung Đoàn Giám sát nêu.
Đại diện Viện Kiểm sát giải trình các nội dung Đoàn Giám sát nêu.

Theo báo cáo của VKSND tỉnh, giai đoạn 2013 - 2021, có 72 vụ án đã khởi tố, điều tra về tham nhũng, kinh tế. Số tài sản thất thoát, chiếm đoạt bị phát hiện phải thu hồi là hơn 1.229 tỷ đồng. Số tài sản đã thu hồi hơn 40 tỷ đồng.

Trong quá trình thực hiện công vụ, VKSND tỉnh chú trọng hoạt động ban hành yêu cầu điều tra, trong đó luôn đề cập đến công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt. Do đó, công tác thu hồi tài sản hầu hết được tiến hành trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, do người bị tố giác, kiến nghị khởi tố, các bị can tự nguyện giao nộp vào tài khoản tạm giữ của Công an tỉnh và cơ quan thi hành án trước khi kết thúc điều tra.

Tuy vậy, với các vụ án hình sự về chức vụ, tham nhũng, kinh tế có liên quan đến đất đai, nhà ở thì việc kê biên, phong tỏa gặp khó khăn do chủ tài sản hầu hết đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người. Các biện pháp được pháp luật quy định để thu hồi tài sản tham nhũng chưa đảm bảo tính kịp thời. Pháp luật hình sự quy định chưa rõ ràng về tài sản kê biên, phong tỏa tương ứng với mức phạt tiền, tịch thu và bồi thường thiệt hại gây khó khăn trong việc xác định phần tài sản kê biên, phong tỏa. Ngoài ra, kết luận giám định chưa đạt yêu cầu, thời gian giám định kéo dài cũng gây khó khăn cho việc giải quyết các vụ án.

Ông Trần Tuấn Lĩnh phát biểu tại buổi giám sát.
Ông Trần Tuấn Lĩnh phát biểu tại buổi giám sát.

VKSND tỉnh cho rằng tội phạm tham nhũng khó phát hiện do chủ thể phạm tội là những người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ và ảnh hưởng, có nhiều thủ đoạn tinh vi để che đậy, nên việc chứng minh hành vi phạm tội, đặc biệt là yếu tố “vụ lợi” gặp nhiều khó khăn. Tính chất các vụ án tham nhũng chức vụ, kinh tế ngày càng phức tạp trong khi đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên chưa đủ và việc trang bị kiến thức về quản lý kinh tế, xây dựng, đất đai,… chưa nhiều. Ngoài ra, rất ít tài sản tham nhũng được đứng tên chủ sở hữu mà thường được đứng dưới tên người thân, bạn bè,… trong khi pháp luật không buộc người dân chứng minh nguồn gốc tài sản của mình từ đâu mà có.

Phát biểu tại buổi giám sát, ông Trần Tuấn Lĩnh nhấn mạnh công tác thu hồi tài sản thất thoát, bị chiếm đoạt trong các vụ án là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên trong công tác phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt hiện còn thấp cho thấy quá trình thực thi pháp luật chưa chặt chẽ và nhiều kẽ hở. VKSND tỉnh cần có các biện pháp và phối hợp với các đơn vị liên quan để cải thiện việc thu hồi tài sản. Đồng thời phải thường xuyên đánh giá và nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm soát viên để giúp thu hồi tài sản thất thoát được tốt hơn.

Tin, ảnh: BẠCH LONG

 

 

;
.