Sớm ban hành Luật lực lượng bảo vệ ANTT tại cơ sở

Thứ Ba, 17/05/2022, 20:40 [GMT+7]
In bài này
.

Công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố (BVDP), dân phòng là cánh tay nối dài, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng công an chính quy bảo đảm, giữ vững an ninh trật tự (ANTT). Để phát huy hiệu quả của các lực lượng này cần thống nhất về tên gọi và hợp nhất các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Điều đó đồng nghĩa với việc, phải xây dựng và ban hành Luật “Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT tại cơ sở”.

BVDP phối hợp Công an TT. Ngãi Giao (huyện Châu Đức) kiểm tra giấy tờ người điều khiển phương tiện  trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16.
BVDP phối hợp Công an TT. Ngãi Giao (huyện Châu Đức) kiểm tra giấy tờ người điều khiển phương tiện trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16.

Công an xã bán chuyên trách thuộc hệ thống tổ chức của CAND, làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội tại địa bàn xã. Tỉnh BR-VT hiện có 551 công an xã bán chuyên trách. Trong đó, phó trưởng công an xã gồm 15 người; công an viên thường trực 86 người; công an viên phụ trách thôn, ấp 450 người.

Hiện nay, lực lượng công an xã bán chuyên trách được chuyển thành lực lượng tự quản, bổ trợ công an xã chính quy hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi triển khai công an chính quy về xã, việc bố trí lực lượng công an xã bán chuyên trách theo quy định của pháp luật về công an xã ở một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Nguyên nhân chủ yếu là do số lượng cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo quy định là có giới hạn nhất định.

Một số địa phương vận dụng quy định của pháp luật để sắp xếp công việc, giải quyết chế độ, chính sách nhưng chỉ mang tính tạm thời. Điều đó đã  ảnh hưởng đến tâm tư, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của lực lượng công an xã bán chuyên trách đã có quá trình cống hiến, gắn bó lâu dài với lực lượng công an trước khi kết thúc nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Đình Khánh, công an xã bán chuyên trách xã Láng Lớn (huyện Châu Đức) cho biết, lực lượng công an xã bán chuyên trách thời gian qua luôn đồng hành cùng lực lượng công an chính quy bảo đảm ANTT địa phương, góp phần đem lại cuộc sống yên bình cho người dân. “Chúng tôi cũng mong muốn Quốc hội sớm thông qua Luật để có thêm động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, ông Khánh nói.

Còn ông Trần Thiện Tâm, công an xã bán chuyên trách xã Láng Lớn (huyện Châu Đức) chia sẻ: “Hiện phụ cấp của công an xã bán chuyên trách rất thấp. Phần lớn anh em làm vì nhiệt huyết. Chúng tôi mong Luật mới sớm ban hành, tạo điều kiện pháp lý, tăng hỗ trợ kinh phí hàng tháng để ổn định cuộc sống, yên tâm cống hiến”.

Trong khi đó, BVDP là lực lượng quần chúng tự nguyện, làm nòng cốt trong phong trào bảo vệ ANQG và TTATXH, được thành lập ở các phường, thị trấn nơi bố trí lực lượng công an chính quy, do UBND phường, thị trấn quyết định thành lập. Toàn tỉnh hiện có 35 ban BVDP với 209 tổ và 1.495 thành viên. Trong đó có 209 tổ trưởng, 205 tổ phó và 1.081 tổ viên.

Còn dân phòng là lực lượng tham gia PCCC, giữ gìn ANTT tại nơi cư trú được quy định tại Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001, sửa đổi bổ sung năm 2013 mà cụ thể bằng Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC. Trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 573 đội dân phòng với 3.685 thành viên thực hiện nhiệm vụ PCCC và CNCH.

Theo Thượng tá Ngô Văn Thuý, Phó trưởng Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ-Công an tỉnh, để phát huy hiệu quả của các lực lượng công an xã bán chuyên trách, BVDP, dân phòng cần phải thống nhất về tên gọi và hợp nhất các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Đó là sự cần thiết phải xây dựng và ban hành Luật “Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT tại cơ sở”.

Sỡ dĩ cần thiết ban hành Luật này nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách Nhà nước, tăng cường công tác bảo đảm ANTT, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở; điều chỉnh thay đổi về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sau khi được kiện toàn thành một lực lượng thống nhất.

Qua đó, tạo cơ sở pháp lý bình đẳng về địa vị pháp lý và xác định cụ thể vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quan hệ công tác, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với tính chất là lực lượng quần chúng tự nguyên, tự quản ở địa bàn cơ sở; kịp thời tạo cơ sở pháp lý để quy định cụ thể về hoạt động của lực lượng công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ được tiếp tục tham gia bảo vệ ANTT ở địa bàn cơ sở; bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân; là cơ sở pháp lý quy định cụ thể về hoạt động của lực lượng công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ để tiếp tục sử dụng lực lượng này tham gia bảo vệ ANTT tại địa bàn cơ sở; xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực pháp lý cao quy định về bố trí lực lượng, hoạt động, nhiệm vụ của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Bài, ảnh: PHƯỚC AN

 
;
hướng dẫn khởi kiện khởi kiện nhanhCần thuê luật sư hình sự giỏi
.