NỖ LỰC NGĂN CHẶN KHAI THÁC THỦY SẢN BẤT HỢP PHÁP

Kỳ 1: Tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài giảm

Thứ Năm, 21/04/2022, 19:37 [GMT+7]
In bài này
.

Các lực lượng chức năng thời gian qua đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng tàu cá của tỉnh xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt trái phép. Để tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng này, các lực lượng và địa phương cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống hữu hiệu hơn.

Cán bộ Chi đội Kiểm ngư số 2 tuyên truyền về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định cho ngư dân.
Cán bộ Chi đội Kiểm ngư số 2 tuyên truyền về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định cho ngư dân.

Tình trạng tàu cá và ngư dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài hiện giảm nhiều so với trước đây. Có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng trong công tác tuyên truyền cũng như xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đến từng tàu cá tuyên truyền

Những ngày này, không khí cảng cá Lộc An, huyện Đất Đỏ luôn nhộn nhịp bởi tàu thuyền ngư dân cập bến sau chuyến đánh bắt cá dài ngày trên biển. Vừa trở về đất liền với cá, tôm đầy khoang sau hơn 2 tháng vươn khơi, ngư dân Trần Minh Dũng (SN 1971, chủ 2 tàu đánh bắt xa bờ ở xã Lộc An) cho biết, tàu cá của ông ra khơi đánh bắt 2-3 lần/năm, mỗi lần từ 2,5-4 tháng. Hàng chục năm gắn bó với nghề biển nhưng chưa lần nào tàu của ông đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài.

“Chúng tôi thường xuyên được lực lượng Biên phòng hướng dẫn, giải thích các quy định trong đánh bắt trên biển. Từ đó, tôi đã nắm rõ và chỉ khai thác hải sản tại ngư trường truyền thống của Việt Nam, không xâm phạm vùng biển nước ngoài”, ông Dũng nói.

Tiếp tục ghé cảng cá Tân Phước (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền), phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu có dịp trò chuyện với ngư dân N. L. T., một trong những trường hợp bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ do khai thác hải sản trái phép cách đây 2 năm. “Bị tịch thu phương tiện có trị giá hàng tỷ đồng vì đánh bắt hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài nên tôi lâm cảnh nợ nần. Sau khi cố gắng xoay xở trả nợ, tôi hiện vẫn tiếp tục sống với nghề biển nhưng tự nhủ sẽ không phạm sai lầm nữa”, ông T. khẳng định.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bến Đá cung cấp bản đồ các vùng biển được phép đánh bắt hải sản cho ngư dân phường 5, TP. Vũng Tàu.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bến Đá cung cấp bản đồ các vùng biển được phép đánh bắt hải sản cho ngư dân phường 5, TP. Vũng Tàu.

Theo Đại úy Trần Minh Nghĩa, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phước Hải (huyện Đất Đỏ), trên địa bàn huyện hiện có hơn 600 tàu cá hành nghề đánh bắt xa bờ. Mỗi lần có phương tiện ra khơi hoặc cập bến, cán bộ, chiến sĩ đều đến tận nơi neo đậu tàu tuyên truyền cho ngư dân về những quy định pháp luật trong quá trình đánh bắt hải sản. Đến nay, 100% chủ tàu cá và ngư dân đều ký cam kết không đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài. Và đặc biệt trong 3 năm qua, không có tàu cá nào trên địa bàn vi phạm vùng biển nước ngoài.

Kiên quyết xử lý vi phạm

Bên cạnh việc tuyên truyền, công tác kiểm tra, kiểm soát các tàu cá cũng được lực lượng chức năng đẩy mạnh. Điển hình tại TP. Vũng Tàu, UBND TP. Vũng Tàu chỉ đạo phường, xã, đơn vị liên quan phối hợp rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm của chủ tàu về không lắp camera giám sát hành trình, thông tin liên lạc theo quy định. Nhờ đó, số lượng tàu cá, thuyền viên trên địa bàn đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài và bị bắt giữ ngày càng giảm.

Bà Rịa-Vũng Tàu được coi là thủ phủ đánh bắt thủy hải sản của vùng Đông Nam bộ với gần 6.000 phương tiện nghề cá, trong đó 50% tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ với sản lượng trên 315.000 tấn/năm. Trước năm 2019, địa phương luôn nằm trong “top” những tỉnh có số tàu và ngư dân đánh bắt trái phép bị nước ngoài bắt giữ. Cụ thể, giai đoạn 2013-2018, toàn tỉnh có đến 174 tàu/1.390 thuyền viên bị nước ngoài bắt giữ, cao điểm năm 2017 có gần 500 ngư dân bị bắt. Tuy nhiên, tình trạng này đã giảm đáng kể trong thời gian gần đây. Điển hình, số lượng tàu cá vi phạm trên vùng biển do Chi đội Kiểm ngư số 2 quản lý đã giảm qua các năm. Cụ thể, năm 2019 có 163 vụ/362 tàu/1.883 ngư dân, năm 2020 có 113 vụ/247/1.323 ngư dân, đầu năm 2021 đến nay có 57 vụ/109 tàu/522 ngư dân bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ.

BĐBP tỉnh cùng với ngành NN-PTNT cũng đã và đang có nhiều biện pháp nhằm quyết tâm ngăn chặn tình trạng tàu cá đánh bắt trái phép, trong đó có việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho các tàu cá trên địa bàn tỉnh. Thanh tra Sở NN-PTNT cùng các lực lượng chức năng của tỉnh cũng thường xuyên kiểm tra đột xuất và tăng cường các đợt cao điểm chống “khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định”. Riêng 4 tháng đầu năm 2022, Thanh tra Sở NN-PTNT đã xử phạt 2 tàu cá cố ý tắt thiết bị giám sát hành trình trong quá trình đánh bắt trên biển.

Tỉnh hiện có 2.592 tàu hoạt động khai thác xa bờ trên vùng biển được lắp thiết bị giám sát hành trình (đạt 100%). Trước khi ra khơi, các tàu đều phải qua các khâu kiểm tra chặt chẽ của Chi cục Thủy sản. Khi rời cảng, các trạm, đồn biên phòng tiếp tục kiểm tra xác định tọa độ. Nếu phát hiện ngư dân tắt máy, đội phản ứng nhanh sẽ yêu cầu chủ tàu điện thoại “lệnh” cho thuyền trưởng phải bật máy định vị, nếu cố tình sẽ xử phạt nghiêm và mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật.

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt trái phép đã giảm đáng kể, nhận thức của ngư dân về một nghề đánh bắt có trách nhiệm đã được thay đổi rõ rệt. “Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục phối hợp với lực lượng Cảnh sát biển, BĐBP, Kiểm ngư thực hiện quyết liệt hơn các giải pháp để hướng đến mục tiêu toàn tỉnh sẽ không có tàu cá vi phạm”, ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh nói.

Bài, ảnh: MINH NHÂN

 
;
.