Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Thứ Tư, 13/04/2022, 14:27 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 13/4, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức hội nghị trực tuyến phản biện xã hội dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì.

Ông Trần Văn Lợi, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì tại điểm cầu Bà Rịa-Vũng Tàu.
Ông Trần Văn Lợi, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì tại điểm cầu Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tại điểm cầu Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Trần Văn Lợi, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì.

Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm 7 chương, 59 điều với các nội dung cơ bản thực hiện dân chủ ở: xã, phường, thị trấn; trong cơ quan, đơn vị; doanh nghiệp; quy định trách nhiệm của thanh tra nhân dân; trách nhiệm bảo đảm và thực hiện quản lý nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở...

Dự thảo lần này có 6 điểm mới, trong đó: Quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ công dân, cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong quy chế dân chủ cơ sở; bổ sung và đa dạng hóa hình thức công khai thông tin; quy định quyền nhân dân được đề xuất nội dung đưa ra để nhân dân bàn và quyết định; ý thức của cộng đồng dân cư, thôn, tổ dân phố; trách nhiệm giải trình của cơ quan cấp xã trong quá trình ban hành quy định hành chính bất lợi cho công dân và liên quan tới lợi ích của cộng đồng; quy định rõ trách nhiệm thực hiện dân chủ cơ sở.

Trước đó, tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tổ chức 69 hội nghị với 78.342 người tham gia, có 85 ý kiến đóng góp của các cá nhân, đơn vị gửi về với 31 Điều của dự thảo Luật.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đề xuất bổ sung thêm quy định trách nhiệm, hình thức kỷ luật đối với cá nhân, tập thể chính quyền cơ sở trong chậm thực hiện hoặc không thực hiện những nội dung liên quan đến tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và đúng pháp luật…

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Lê Tiến Châu khẳng định tầm quan trọng, phạm vi tác động rộng, nội dung phong phú và độ phức tạp cao của Dự án Luật. Ông Châu cho rằng, cần phải nghiên cứu đầy đủ toàn diện hơn những vấn đề lý luận, các hình thức, khái niệm, từ đó tạo sự thống nhất, đồng bộ; nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, giúp cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”…

Đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ghi nhận, tiếp thu các ý kiến tại hội nghị và sẽ tổng hợp đầy đủ các nội dung phản biện tại hội nghị cũng như các ý kiến chuyển bằng văn bản để gửi tới Ban soạn thảo và các cơ quan liên quan.

Tin, ảnh: DIỄM QUỲNH

 

;
.