.
PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY LÀ TRÁCH NHIỆM CỦA MỖI CƠ QUAN, TỔ CHỨC, HỘ GIA ĐÌNH VÀ CÁ NHÂN:

Phòng ngừa cháy, nổ tàu cá khi neo đậu tại cảng

Cập nhật: 17:40, 05/06/2018 (GMT+7)

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ cháy tàu cá khi đang neo đậu tại cảng cá. Tuy không gây thiệt hại về người, nhưng các vụ cháy đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị của ngư dân.

Lực lượng Cảnh sát PCCC chữa cháy tại hầm máy tàu QB 91679 TS ngày 5-2-2018.
Lực lượng Cảnh sát PCCC chữa cháy tại hầm máy tàu QB 91679 TS ngày 5-2-2018.

Gần đây nhất, ngày 5-2-2018, một vụ cháy đã xảy ra trên tàu dịch vụ hậu cần nghề cá số hiệu QB 91679 TS khi đang neo đậu tại cảng cá Phước Tỉnh (ấp Tân Lập, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền). Theo xác minh, điều tra của cơ quan chức năng, trước khi xảy ra vụ cháy, một số công nhân đang hàn xì trên boong tàu, xung quanh có nhiều mút của hầm chứa hải sản. Nguyên nhân cháy là do tia lửa từ việc hàn xì bén vào mút xốp, rồi lan vào ca bin tàu. Tuy không gây thiệt hại về người, nhưng vụ cháy thiêu rụi toàn bộ cabin, hầm máy, phòng nghỉ thuyền viên… thiệt hại ước tính khoảng gần 2 tỷ đồng.

Trước đó, sáng 3-10-2017, tàu cá BV-99899.TS (do bà Trần Hoàng Dung, ngụ phường 5, TP.Vũng Tàu làm chủ) khi đang neo đậu trên sông Bến Đình (phường 5, TP.Vũng Tàu) thì bất ngờ bốc cháy. Do địa hình sông nước, cách bờ khoảng 100m, nên phải nhờ sự hỗ trợ của các chủ phương tiện đang neo đậu gần đó, lực lượng chữa cháy mới tiếp cận, khống chế đám cháy, không để cháy lan. Vụ cháy gây thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng. Theo một số người dân chứng kiến vụ việc, nguyên nhân xảy ra cháy có thể là do chập điện, vì tàu đang neo đậu tại cảng thường hay câu điện từ bờ ra để phục vụ việc sửa chữa.

Theo cơ quan chức năng, một số vụ cháy tàu cá xảy ra thời gian qua cho thấy, nguyên nhân là do một bộ phận ngư dân chưa nắm bắt, hiểu rõ các quy định về an toàn PCCC; chưa biết cách sử dụng và không trang bị phương tiện chữa cháy trên tàu, hoặc có nhưng trang thiết bị không bảo đảm chất lượng. Bên cạnh đó, do đánh bắt xa bờ, các vật dụng kim loại trên tàu dễ bị nước biển, hơi muối ăn mòn, dẫn đến rò rỉ dầu máy, dầu nhiên liệu, khí gas… nên khi tiếp xúc với nguồn nhiệt, ngọn lửa hay tia lửa từ các thiết bị điện thì dễ dẫn đến cháy, nổ. Mặt khác, khu vực nấu nướng trên tàu thường được bố trí ngay trong khoang, gần khu chạy máy nên nguy cơ cháy nổ xảy ra cao. Khi xảy ra sự cố cháy, ngư dân còn lúng túng, chưa triển khai kịp thời việc chữa cháy ban đầu.

Tàu cá neo đậu tại khu vực Sao Mai - Bến Đình (TP. Vũng Tàu).
Tàu cá neo đậu tại khu vực Sao Mai - Bến Đình (TP. Vũng Tàu).

Thời gian qua, Cảnh sát PCCC tỉnh đã phối hợp cùng các đơn vị tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phát tờ rơi, diễn tập chữa cháy… để các chủ phương tiện, thuyền viên nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa. Ngoài ra, tại các cảng nơi có nhiều phương tiện tàu, thuyền neo đậu, lực lượng PCCC còn phối hợp với Ban quản lý các cảng tổ chức nhiều buổi diễn tập các phương án chữa cháy.

Ông Lương Văn Đảo, Đội trưởng Đội PCCC cơ sở - Cảng dịch vụ hậu cần thủy sản Hưng Thái (huyện Long Điền), chia sẻ: “Chúng tôi luôn quan tâm đến trang thiết bị chữa cháy tại cảng; thường xuyên huấn luyện, phổ biến về công tác PCCC cho lực lượng chữa cháy tại cơ sở cũng như cho thuyền trưởng tàu cá neo đậu tại cảng. Trường hợp xảy ra cháy nổ, lực lượng tại chỗ của chúng tôi sẵn sàng huy động máy bơm, nước, bọt hóa chất để xử lý ngay từ ban đầu, chống cháy lan”.

Vừa tham gia buổi diễn tập chữa cháy được tổ chức tại Cảng dịch vụ hậu cần thủy sản Hưng Thái, ông Võ Minh Tuấn (ngụ tại xã Phước Hưng, huyện Long Điền), thuyền trưởng tàu cá BV 92488 TS, nói: “Do thói quen sống trên sông, biển, mọi sinh hoạt hàng ngày của chúng tôi như ăn uống, nấu nướng đều ở trên tàu, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Những buổi diễn tập chữa cháy trang bị cho chúng tôi những kiến thức hữu ích về PCCC”.

Theo Đại tá Nguyễn Anh Hùng, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh, để ngăn ngừa cháy nổ trên biển cũng như tại nơi neo đậu, ngư dân cần thường xuyên kiểm tra đường ống dẫn nguyên liệu, dẫn gas để kịp thời phát hiện rò rỉ, hỏng hóc; mua bình gas ở những nơi bảo đảm uy tín, chất lượng; không để bình gas trong không gian kín hay hầm máy; thực hiện đúng quy trình bảo quản, sử dụng bình gas trong quá trình nấu ăn. Khi đun nấu xong, phải khóa van gas và cố định chặt, tránh việc bình gas bị xê dịch hay va đập. Thuyền trưởng, thuyền viên cần phải được trang bị những kiến thức cơ bản về PCCC, biết sử dụng thành thạo bình chữa cháy khi xảy ra sự cố. Tại nơi neo đậu, ngư dân khi bơm dầu vào tàu phải kiểm tra kỹ đường ống, khớp nối, tiếp đất, tránh hiện tượng tĩnh điện; kiểm tra trữ lượng dầu, tránh tình trạng dầu bị tràn. “Điều quan trọng nhất là chủ tàu, thuyền trưởng cần đặc biệt quan tâm đến công tác PCCC bằng cách trang bị các phương tiện chữa cháy trên tàu; thường xuyên nhắc nhở thuyền viên chấp hành nghiêm các quy định về PCCC”, Đại tá Nguyễn Anh Hùng khuyến cáo.

Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM

.
.
.