.

Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho các thuyền viên tàu cá

Cập nhật: 15:45, 08/06/2018 (GMT+7)

Thời gian qua, trên vùng biển của tỉnh xảy ra nhiều vụ thuyền viên tàu cá đánh nhau gây thương tích, thậm chí làm chết người. Đây là vấn đề đáng báo động, đòi hỏi chủ tàu, thuyền trưởng cần có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn ngay từ khi phát hiện có mâu thuẫn giữa các thuyền viên.

Theo thống kê của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, trong 5 tháng đầu năm 2018, trên vùng biển BR-VT đã xảy ra 3 vụ/5 thuyền viên đánh nhau gây thương tích. Gần đây nhất, ngày 24-5, Đồn Biên phòng Phước Tỉnh đã tạm giữ Nguyễn Tuấn Hưng (SN 1991, ngụ tại ấp Lò Vôi, xã Phước Hưng, huyện Long Điền) là thuyền viên tàu cá BV 92409 TS để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Lực lượng Biên phòng bắt giữ Nguyễn Tuấn Hưng (SN 1991, ngụ tại xã Phước Hưng, huyện Long Điền) - thuyền viên tàu cá BV 92409 TS để điều tra làm rõ hành vi cố ý gây thương tích.
Lực lượng Biên phòng bắt giữ Nguyễn Tuấn Hưng (SN 1991, ngụ tại xã Phước Hưng, huyện Long Điền) - thuyền viên tàu cá BV 92409 TS để điều tra làm rõ hành vi cố ý gây thương tích.

Theo hồ sơ vụ án trên, trưa 21-5, khi 2 tàu cá BV 92408 TS và BV 92409 TS đang neo đậu tại khu vực cách Côn Đảo hơn 100 hải lý, 6 thuyền viên của 2 tàu tổ chức ăn nhậu, trong đó Hưng và anh Nguyễn Văn Út (SN 1983, ngụ tại Bình Định). Sau khi “cưa” hết 2 thùng bia, cảm thấy chưa đã, Hưng, anh Út và 2 thuyền viên nữa lại tiếp tục uống thêm khoảng 2 lít rượu. Khi đã ngà ngà hơi men, giữa Hưng và anh Út xảy ra mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau. Hưng sử dụng dao làm cá dài khoảng 40cm chém anh Út, gây thương tích nặng. Sau đó, tàu BV 92408 TS đã đưa anh Út vào cấp cứu tại huyện Côn Đảo, nhưng do vết thương nặng nên thuyền viên này tiếp tục được chuyển bằng máy bay vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) để tiếp tục điều trị.

Từ đầu năm 2018 đến nay, TAND tỉnh đã mở 2 phiên tòa hình sự xét xử vụ án giết người mà bị cáo là thuyền viên hành nghề trên biển. Diễn biến vụ án cho thấy, chỉ vì một phút nóng giận thiếu kiềm chế, có thuyền viên đã giết bạn ghe và phải trả giá trước pháp luật.

Ngày 10-5, TAND tỉnh tuyên phạt Lâm Tấn Vạn (SN 1993, ngụ tại tỉnh Sóc Trăng, là thuyền viên tàu cá BĐ 93711TS) mức án tù chung thân về tội giết người. Trước đó, ngày 8-11-2017, khi tàu BĐ 93711TS đang đánh bắt tại khu vực cách Côn Đảo khoảng 100 hải lý, do mâu thuẫn, Vạn đã dùng dao đâm thuyền viên Nguyễn Tuấn Kiệt (SN 1996, quê Cà Mau) 2 nhát khiến anh này tử vong. Sau đó, Vạn đẩy nạn nhân xuống biển để phi tang, nhưng bị các thuyền viên khác phát hiện, bắt giữ đưa vào bờ giao cho cơ quan chức năng.

Ngày 17-4-2018, TAND tỉnh cũng tuyên phạt Trịnh Hoàng Tuấn (SN 1995, quê Kiên Giang, thuyền viên tàu cá KG 91349 TS) 10 năm tù về tội giết người. Theo hồ sơ vụ án, rạng sáng 26-11-2017, do mâu thuẫn với thuyền viên Trương Châu Phong Nhã (SN 1999, quê Vĩnh Long) về việc điều khiển tàu, Tuấn đã dùng chân đạp anh này rớt xuống biển. Khi trời sáng, các thuyền viên phát hiện anh Nhã mất tích nên báo với thuyền trưởng và tổ chức tìm kiếm, nhưng không tìm thấy. Nghi ngờ Tuấn là người liên can đến việc anh Nhã mất tích, nên khi tàu vào bờ, thuyền trưởng báo với cơ quan chức năng và Tuấn thừa nhận đạp anh Nhã rớt xuống biển.

Đối tượng Trịnh Hoàng Tuấn (bìa phải, SN 1995, ngụ tại tỉnh Kiên Giang) - thuyền viên tàu cá KG 91349 TS, đã bị TAND tỉnh tuyên phạt 10 năm tù về tội giết người.
Đối tượng Trịnh Hoàng Tuấn (bìa phải, SN 1995, ngụ tại tỉnh Kiên Giang) - thuyền viên tàu cá KG 91349 TS, đã bị TAND tỉnh tuyên phạt 10 năm tù về tội giết người.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề biển và đang làm chủ 10 tàu cá, ông Võ Quang Nhơn (ngụ 209/9 Trần Phú, phường 5, TP.Vũng Tàu) cho biết, thuyền viên làm việc trên các tàu cá đến từ nhiều vùng miền, tuổi đời và trình độ khác nhau. Trong quá trình làm việc dễ phát sinh chuyện tị nạnh người làm ít, làm nhiều; đồng thời phải sinh hoạt trong điều kiện chật chội và lênh đênh nhiều ngày trên biển nên các thuyền viên dễ ức chế tâm lý, dẫn đến phát sinh mâu thuẫn. Đặt biệt, khi các thuyền viên ăn nhậu chung với nhau thì nguy cơ xảy ra xung đột rất cao.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Tiến, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh, thời gian qua, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các phòng, ban trực thuộc và các Đồn Biên phòng trên địa bàn tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện trước khi xuất bến đi đánh bắt hải sản. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền pháp luật dưới nhiều hình thức nhằm nâng cao ý thức cho chủ tàu cá, thuyền trưởng, thuyền viên chấp hành nghiêm việc bảo đảm an toàn khi hoạt động đánh bắt trên biển cũng như giữ an ninh trật tự xã hội khi tàu vào bờ. “Nghề đánh bắt hải sản là một loại hình lao động đặc thù, làm việc vất vả và chịu ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu khắc nghiệt nên dễ phát sinh mâu thuẫn. Vì vậy, đòi hỏi những người cùng làm việc trên tàu cần có thái độ ứng xử chuẩn mực, yêu thương và giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn để đạt hiệu quả kinh tế sau mỗi chuyến biển. Mọi hành vi sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn đều bị xử lý theo quy định pháp luật”, Đại tá Nguyễn Văn Tiến khuyến cáo.

Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM

.
.
.