.

"Thả săn sắt, bắt cá rô" bị lừa hàng chục ngàn đô

Cập nhật: 18:50, 08/03/2018 (GMT+7)

Thời gian qua, cơ quan công an tiếp nhận nhiều vụ việc liên quan đến các đối tượng trong nước và nước ngoài lên mạng làm quen với chị em phụ nữ qua hình thức kết bạn, xin cưới, tặng quà, giúp đỡ… để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mặc dù thủ đoạn của các đối tượng không mới nhưng vì ham lợi, tin lời đường mật, nên nhiều người đã bị các đối tượng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt nhiều tài sản.

Trao đổi thông tin, giao dịch qua mạng với người không quen biết, không biết rõ lai lịch sẽ rất dễ bị lừa đảo gây thiệt hại về tài sản, tình cảm (ảnh minh họa).
Trao đổi thông tin, giao dịch qua mạng với người không quen biết, không biết rõ lai lịch sẽ rất dễ bị lừa đảo gây thiệt hại về tài sản, tình cảm (ảnh minh họa).

Ngày 8-3, Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) - Công an tỉnh cho biết, đơn vị này đã khởi tố một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Facebook để tiếp tục mở rộng điều tra. Theo hồ sơ vụ án, bà Trần Thị L. (trú tại TP.Bà Rịa) bán mỹ phẩm trên mạng Facebook và làm quen với một người phụ nữ tên Diễm. Vào khoảng tháng 7-2017, bà L. có đăng hình em gái là Trần Thị M. (SN 1990) làm mẫu giới thiệu sản phẩm lên mạng Facebook. Thấy vậy, Diễm nhắn tin khen M. đẹp và hứa sẽ giới thiệu cho một người bạn trai tên John Donald. Bà L. xem hình John Donald do Diễm gửi qua mạng liền đồng ý. Diễm cho bà L. số điện thoại và hướng dẫn sử dụng phần mềm Watapp để liên lạc với John Donald. Bà L. và chị M. đã nhiều lần nói chuyện và được John Donald giới thiệu sinh năm 1970, người Mỹ nhưng sinh sống ở Anh và làm nghề xây dựng, chưa có gia đình nên ngỏ ý muốn cưới chị M. làm vợ. 

Đến tháng 8-2017, John Donald gọi điện cho bà L. nói cha mình vừa chết tại Malaysia, có để lại 1 triệu 300 ngàn USD cho John Donald. Số tiền này đã được gửi về sân bay Nội Bài (Hà Nội) để tổ chức đám cưới với M. nhưng phải trả 4.500 USD tiền phí vận chuyển. Ngày 2-9-2017, bà L. đã chuyển tiền vào một tài khoản của Trần Thị M. tại ngân hàng Vietcombank Bình Dương 92 triệu đồng theo hướng dẫn của John Donald. Biết “con mồi” đã cắn câu, John Donald đăng hình bản thân bị tai nạn cần 31 triệu đồng để điều trị mới có thể về Việt Nam được. Tin lời, bà L. lại tiếp tục chuyển số tiền vào một tài khoản ngân hàng theo sự chỉ dẫn của John Donald. Sau khi “xuất viện”, John Donald lại nói bà L. cần số tiền 5.700USD để rút toàn bộ số tiền y gửi tại sân bay Nội Bài. Bà L. đã chuyển số tiền trên theo yêu cầu của John Donald. 

Sau đó, John Donald nói với bà L. là hắn đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.Hồ Chí Minh) và yêu cầu lên đón. Khi bà L. cùng chị M. lên sân bay, John Donald gọi điện nói bị lực lượng chức năng giữ lại vì mang theo số tiền quá lớn và yêu cầu họ quay về. 

Vài hôm sau, một người phụ nữ dùng số điện thoại 0965467… tự xưng là nhân viên hải quan sân bay Tân Sơn Nhất, cho biết “chồng tương lai” của M. bị giữ do mang số ngoại tệ lớn nên cần tiền để làm thủ tục “giải cứu” số ngoại tệ 1 triệu 300 ngàn USD và John Donald sẽ được thả ra. Vì vậy, bà L. đã chuyển 4 lần tiền cho người tự xưng là nhân viên hải quan tổng cộng hơn 83 triệu đồng. Thế nhưng, sau một tuần chuyển tiền, John Donald gọi điện nói ở Việt Nam không lấy được tiền, nên quay về Anh lấy tiền rồi qua Việt Nam để làm đám cưới với M. và đề nghị bà L. hỗ trợ số tiền 600USD để mua vé may bay. Bà L. “vui vẻ nhận lời”.

Một mẩu trao đổi thông tin giữa đối tượng lừa đảo và người bị hại qua mạng.
Một mẩu trao đổi thông tin giữa đối tượng lừa đảo và người bị hại qua mạng.

Đến ngày 31-10-2017, John Donald nói sẽ chuyển 1 triệu USD cho chị M. để làm đám cưới. Tuy nhiên, do chị M. mất CMND nên sẽ chuyển tiền cho bà L. Để chuyển số ngoại tệ này, bà L. phải nộp 8.000USD tiền lệ phí. Háo hức sắp có “em rể Tây”, nên bà L. không ngần ngại chuyển tiếp số tiền trên. Đợi mãi không thấy tiền đâu, bà L. gọi cho John Donald thì y nói tiền không thể chuyển thẳng vào tài khoản được, phải chuyển qua trung gian nên phải nộp 9.000USD để “giải mật khẩu” chuyển tiền. Không do dự, bà L. tiếp tục chuyển số tiền trên theo yêu cầu. Thấy quá “dễ ăn”, nên ngày 2-11-2017, John Donald yêu cầu bà L. chuyển tiếp 5% của 1 triệu USD (tương đương hơn 200 triệu đồng), bà L. lại đồng ý chuyển tiền. Khi đã chuyển tiền nhiều lần nhưng không nhận được tiền “đô” và “rể Tây”, bà L. mới nghi bị lừa nên đến trình báo cơ quan công an.

Thượng tá Đặng Văn Hồng, Trưởng Phòng PC45 cho biết, công tác điều tra các vụ án trên rất khó khăn do nhiều yếu tố, như: Tội phạm sử dụng mạng xã hội, các tài khoản ngân hàng thường lập bằng CMND giả, giao dịch chỉ một lần, bản thân nạn nhân che giấu sự việc, có sự liên kết của đối tượng người Việt Nam và nước ngoài, công tác hợp tác quốc tế còn khó khăn... “Mặc dù thủ đoạn lừa đảo cũ, các phương tiện truyền thông đã thường xuyên phản ánh về phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội, nhưng do nhẹ dạ nên vẫn tiếp tục xuất hiện những nạn nhân mới với số tiền thiệt hại rất lớn”, Thượng tá Đặng Văn Hồng nói. 

Từ thực tế vụ án trên, khi sử dụng mạng xã hội, mọi người cần cân nhắc, đánh giá đúng thông tin cũng như các mối quan hệ, nhất là quan hệ với người mới quen trên mạng, cân nhắc trước các giao dịch chuyển tiền, nếu có nghi vấn thì phải trao đổi với nhân viên ngân hàng để xác minh thông tin, nhằm tránh thiệt hại tài sản, tổn hại cả tinh thần, tình cảm khi lỡ trao gửi yêu thương, hy vọng cho những người xa lạ. “Cần hạn chế việc đăng tải quá nhiều thông tin cá nhân lên mạng xã hội, như: Hình ảnh bản thân và người trong gia đình, ngày sinh, số CMND, bằng lái xe, tài khoản ngân hàng, nơi ở, nơi làm việc… không vội vàng thực hiện yêu cầu của đối tượng lạ để tránh bị lừa đảo”, Thượng tá Đặng Văn Hồng khuyến cáo.

Bài, ảnh: SƠN KHÊ

.
.
.