.

Chủ động phòng ngừa tai nạn điện

Cập nhật: 18:40, 05/03/2018 (GMT+7)

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ tai nạn điện gây chết người. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân chủ quan, bất cẩn trong quá trình lao động sản xuất, sử dụng điện trong sinh hoạt.

NHIỀU VỤ TAI NẠN ĐIỆN THƯƠNG TÂM

Hiện trường vụ tai nạn điện xảy ra tại sân vận động huyện Xuyên Mộc ngày 27-2-2018.
Hiện trường vụ tai nạn điện xảy ra tại sân vận động huyện Xuyên Mộc ngày 27-2-2018.

Khoảng 9 giờ 30 sáng 27-2, người đi đường và người dân gần khu vực sân vận động huyện Xuyên Mộc nghe một tiếng nổ lớn phát ra từ bình điện hạ thế ở trụ điện trước cổng sân vận động. Còn phía bên trong sân vận động, mọi người hốt hoảng, nháo nhào làm mọi cách để sơ cứu 4 công nhân bị tai nạn do phóng điện. Trước đó vài phút, nhóm công nhân đang thực hiện việc lắp ráp cổng chào cho một sự kiện tại sân vận động, trong lúc dùng giàn cẩu để nâng khung sắt, đã bất cẩn làm giàn cẩu di chuyển khiến khung sắt chạm vào đường dây điện trung thế 22kV, gây chập mạch nổ bình hạ thế và phóng điện. Vụ tai nạn khiến 1 người chết, 2 người bị phỏng nặng, 1 người bị thương nhẹ. 

Chỉ một ngày sau, ngày 28-2, anh Lê Văn Hiếu (SN 1994, quê Cần Thơ) đang điều khiển máy trộn bê tông tại một công trình xây dựng ở Công ty Vilaglacera (KCN Mỹ Xuân A, huyện Tân Thành) thì bị điện giật dẫn đến tử vong. 

Trước đó, ngày 9-1-2018, tại huyện Châu Đức, một người tự ý tháo dây chằng trụ điện trung thế số 71NG/98/127A, khiến dây chằng chạm vào đường dây trung thế 22kV nên bị phóng điện qua dây chằng vào người gây tử vong...

Theo Công ty Điện lực BR-VT, từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ tai nạn điện do vi phạm hành lang an toàn lưới điện, sử dụng điện không an toàn. Trong đó, một số người khi xây dựng, cơi nới nhà cửa đã chủ quan, vô ý vi phạm về khoảng cách an toàn với lưới điện; thi công công trình để xe cẩu, xe ben va chạm đường dây điện dẫn đến phóng điện gây chết người. 

NÂNG CAO Ý THỨC AN TOÀN VỀ ĐIỆN  

Công nhân ngành điện kiểm tra lưới điện trên đường Phan Chu Trinh, TP.Vũng Tàu.
Công nhân ngành điện kiểm tra lưới điện trên đường Phan Chu Trinh, TP.Vũng Tàu.

Các sự cố về điện vừa gây tai nạn thương tích, tử vong cho con người, vừa gây ra sự cố mất điện, ảnh hưởng tới an ninh trật tự, sản xuất kinh doanh của DN và sinh hoạt của người dân. Nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu vi phạm hành lang an toàn lưới điện, Công ty Điện lực BR-VT đã thành lập Ban Chỉ đạo bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp tại Công ty và các đơn vị để có sự chỉ đạo kịp thời trong công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện. Định kỳ hàng tháng, công ty đều bố trí công nhân kiểm tra, rà soát, thống kê các vị trí vi phạm hành lang lưới điện để phối hợp với chính quyền địa phương xử lý.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Phòng An toàn điện, Công ty Điện lực BR-VT cho biết, khi tổ chức, cá nhân có nhu cầu xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà ở, công trình gần lưới điện cao áp, cần liên hệ đơn vị điện lực trong khu vực để được hướng dẫn lập hồ sơ cần thiết. Trường hợp không đủ điều kiện để thỏa thuận cho phép thực hiện, thì đơn vị điện lực có văn bản trả lời cho tổ chức, cá nhân biết lý do cụ thể. Trường hợp kiểm tra, nếu phát hiện nhà ở, công trình đang xây dựng, sửa chữa, cải tạo chưa vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, nhưng trong quá trình xây dựng có nguy cơ vi phạm như dựng giàn giáo, vận chuyển vật liệu… thì sẽ cảnh báo cho chủ nhà, đơn vị thi công công trình có biện pháp chủ động phòng ngừa sự cố về điện.

Theo ông Nguyễn Hữu Hiền, Phó Giám đốc Sở Công thương, để bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện, giảm thiểu tai nạn điện, ngoài công việc thường xuyên của đơn vị điện lực, các cấp chính quyền, đoàn thể cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về cách phòng tránh tai nạn điện, sử dụng điện an toàn cho người dân. Cùng với đó, người dân cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện nghiêm quy định về bảo vệ an toàn lưới điện theo Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 26-2-2014 của Chính phủ. “Sở Công thương đề nghị Công ty Điện lực BR-VT và các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, sửa chữa, nâng cấp hệ thống lưới điện để bảo đảm an toàn, tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra”, ông Nguyễn Hữu Hiền nói.

Bài, ảnh: PHƯƠNG ANH

Chủ sở hữu hoặc người sử dụng nhà ở, công trình không được sử dụng mái hoặc bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình vào những mục đích có thể vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp, cụ thể: Điện áp 22kV, khoảng cách an toàn phóng điện dây bọc 1m, dây trần 2m. Điện áp 35kV, dây bọc 1,5m, dây trần 3m. Điện áp 110kV và 220kV, dây bọc 4m, dây trần 6m.

Khoảng cách an toàn phóng điện từ dây dẫn điện đến điểm gần nhất của thiết bị, dụng cụ, phương tiện làm việc trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp như sau: Điện áp 22kV và 35kV, khoảng cách an toàn phóng điện 4m. Điện áp 110kV và 220kV, khoảng cách an toàn 6m. Điện áp 500kV, khoảng cách an toàn 8m.

(Theo Điều 51, Luật Điện lực và Điều 10, Nghị định số 14/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực về an toàn điện)

Phạt tiền từ 1-5 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Lắp đặt ăng ten tivi, dây phơi, giàn giáo, biển, hộp đèn quảng cáo tại vị trí khi bị đổ, rơi có thể va chạm vào lưới điện; Thả diều hoặc bất kỳ vật gì gây sự cố lưới điện. Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi: Xây dựng hoặc cải tạo nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không khi chưa có thỏa thuận, hoặc không thực hiện đúng các thỏa thuận để bảo đảm an toàn trong quá trình xây dựng, cải tạo nhà ở, công trình với đơn vị quản lý vận hành đường dây điện. Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi: Điều khiển thiết bị, dụng cụ, phương tiện hoặc các hoạt động khác vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp.

(Trích Điều 15, Nghị định số 134/2013/NĐ-CP)

 

.
.
.