Một số quy định pháp luật có hiệu lực từ tháng 4-2018
* Bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm di cảo đến 50 năm
Nghị định số 22/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 (sau đây gọi chung là Luật sở hữu trí tuệ) về quyền tác giả, quyền liên quan sẽ có hiệu lực từ ngày 10-4-2018. Theo đó, Nhà nước bảo hộ quyền tác giả, đồng tác giả đối với các tác phẩm: Được thể hiện dưới dạng ký tự; Bài giảng, bài phát biểu và bài nói; Tác phẩm báo chí, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, tạo hình, mỹ thuật ứng dụng, nhiếp ảnh, kiến trúc; Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ; Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian; Quyền tác giả đối với chương trình máy tính.
Thời hạn bảo hộ quyền nhân thân (tác giả đặt tên cho tác phẩm; công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén tác phẩm) quy định tại khoản 3 Điều 19 và quyền tài sản (biễu diễn tác phẩm, sao chép tác phẩm, phân phối bản gốc hoặc bản sao tác phẩm, truyền đạt tác phẩm đến công chúng, cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính…) quy định tại Điều 20 của Luật sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm di cảo (được công bố lần đầu sau khi tác giả chết) là 50 năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên.
* Dừng thi công xây dựng công trình khi phát hiện nguy cơ xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường nghiêm trọng
Ngày 1-4, Thông tư số 02/2018/TT-BXD của Bộ Xây dựng “Quy định về trách nhiệm bảo vệ môi trường của chủ dự án, nhà thầu thi công trong thi công các công trình xây dựng và chế độ báo cáo công tác bảo vệ môi trường ngành xây dựng” có hiệu lực thi hành. Trong đó, nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm: Thực hiện kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường (BVMT) và các quy định về BVMT trong quá trình thi công gói thầu. Bố trí nhân sự phụ trách về môi trường theo quy định của pháp luật về BVMT để thực hiện các biện pháp BVMT theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Kế hoạch BVMT của dự án. Xây dựng và thực hiện nội quy, quy định về BVMT trong thi công xây dựng công trình. Tổ chức lập, trình chủ dự án chấp thuận các giải pháp kỹ thuật, biện pháp BVMT trong thi công xây dựng công trình. Tổ chức tập huấn, phổ biến hướng dẫn các nội quy, quy trình, biện pháp BVMT cho cán bộ, công nhân, người lao động và các đối tượng có liên quan trên công trường. Dừng thi công xây dựng công trình khi phát hiện nguy cơ xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường nghiêm trọng và có biện pháp khắc phục để đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về BVMT trước khi tiếp tục thi công. Thực hiện các nội dung khác theo quy định của pháp luật về BVMT.
* Giải ngân vốn cho vay sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt hoặc bằng tiền mặt không quá 100 triệu đồng
Thông tư số 21/2017/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt nam sẽ có hiệu lực từ ngày 2-4. Thông tư này quy định về phương thức giải ngân vốn cho vay bao gồm việc sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, bằng tiền mặt để giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (không điều chỉnh việc giải ngân vốn cho vay của ngân hàng chính sách xã hội).
Theo đó, tổ chức tín dụng cho vay được xem xét quyết định phương thức giải ngân vốn cho vay sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt hoặc bằng tiền mặt trong trường hợp: Khách hàng thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng (không bao gồm pháp nhân) có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán với số tiền vay ghi trong thỏa thuận cho vay có giá trị không vượt quá 100 triệu đồng. Khách hàng thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng là tổ chức sử dụng vốn Nhà nước được thanh toán bằng tiền mặt theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
NHỰT THANH
(tổng hợp)