.

Xe ưu tiên thường xuyên bị ngáng đường

Cập nhật: 18:15, 25/03/2018 (GMT+7)

Luật Giao thông đường bộ quy định rất cụ thể về việc nhường đường cho xe ưu tiên khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, thực tế lưu thông, người dân ít khi để ý đến việc nhường đường khi có xe ưu tiên. Qua đó, gây không ít khó khăn cho xe cứu hỏa, cứu thương… trong thực hiện nhiệm vụ.

Xe cứu hỏa của TP.Bà Rịa gặp tai nạn trên Quốc lộ 51 khi đi thực hiện nhiệm vụ chữa cháy ở huyện Tân Thành.
Xe cứu hỏa của TP.Bà Rịa gặp tai nạn trên Quốc lộ 51 khi đi thực hiện nhiệm vụ chữa cháy ở huyện Tân Thành.

Luật Giao thông đường bộ (Điều 22) quy định rõ 5 loại xe ưu tiên được đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự, gồm: xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu; xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật… Các xe có quyền ưu tiên này khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.

Quy định là vậy nhưng theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng người dân thờ ơ với các xe ưu tiên vẫn còn khá phổ biến. Ngày 22-3, quan sát tại các tuyến đường chính gần Bệnh viện đa khoa Bà Rịa (TP.Bà Rịa) cho thấy, nhiều xe cứu thương thường xuyên chở bệnh nhân chạy qua tuyến đường này. Xe cứu thương di chuyển luôn bật đèn và còi hụ nhưng nhiều phương tiện tham gia giao thông vẫn không nhường đường. Thậm chí có xe tải còn cố vượt qua xe ưu tiên dù cho tài xế bấm còi liên tục. “Ý thức nhường đường cho các xe ưu tiên của người dân mình rất kém, còi xe hú thì cứ hú, người đi đường cứ mặc kệ. Trong khi đó, mạng sống bệnh nhân tính từng giây, nhiều lúc đưa người đi cấp cứu, chúng tôi phải luồn lách đủ kiểu mới có thể nhanh chóng đưa họ đến được bệnh viện”, anh Nguyễn Văn Vinh, tài xế Trung tâm cấp cứu 115 cho biết.

Một số người vẫn chưa có ý thức nhường đường cho xe cấp cứu. Trong ảnh: Xe cấp cứu của Trung tâm 115 BR-VT đang trên đường làm nhiệm vụ đưa bệnh nhân đi cấp cứu.
Một số người vẫn chưa có ý thức nhường đường cho xe cấp cứu. Trong ảnh: Xe cấp cứu của Trung tâm 115 BR-VT đang trên đường làm nhiệm vụ đưa bệnh nhân đi cấp cứu.

Theo cơ quan công an, thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã có một số vụ TNGT xảy ra giữa xe ưu tiên và các loại phương tiện giao thông. Phần lớn các vụ tai nạn này là do người điều khiển phương tiện giao thông chưa có ý thức nhường đường, chưa hiểu hoặc coi thường tín hiệu của các loại xe ưu tiên. Hành động này là rất nguy hiểm, không chỉ cản trở các xe đi làm nhiệm vụ mà có thể gây tai nạn, nguy hiểm cho mình và phương tiện khác. Đã có trường hợp bệnh nhân cấp cứu không qua khỏi hoặc phải chịu di chứng nặng nề vì lý do xe cứu thương đến chậm...

Điển hình là vụ tai nạn xảy ra giữa xe ưu tiên với các phương tiện khác trên Quốc lộ 51 (huyện Tân Thành) vào 16h ngày 8-1-2018 vừa qua. Cụ thể là xe chữa cháy của TP.Bà Rịa được điều động đến hiện trường Nhà máy Giấy Sài Gòn (huyện Tân Thành) để dập đám cháy. Khi xe chạy đến khu vực ngã ba Long Sơn thì tông vào 3 chiếc ô tô đang lưu thông cùng chiều vì 3 xe nói trên không nhường đường. Hậu quả xe chữa cháy lật nghiêng, một chiến sĩ bị thương nặng. 3 ô tô bị hư hỏng nặng.

Đại tá Lê Văn Ninh, Trưởng Phòng CSGT đường bộ (PC67), Công an tỉnh cho biết, khi lưu thông, nếu nghe thấy tiếng còi, đèn của các phương tiện ưu tiên, người tham gia giao thông cần tìm cách nhường đường ngay để tránh nguy hiểm. Nhưng thực tế ý thức nhường đường cho xe ưu tiên chưa cao. Do đó, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người tham gia giao thông hiểu rõ được trách nhiệm trước các phương tiện ưu tiên. Đây cũng là một phần của văn hóa tham gia giao thông.

Bài, ảnh: TRẦN ANH

Không nhường đường xe ưu tiên, bị xử lý như thế nào?

Theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ thì hành vi không nhường đường cho các loại xe ưu tiên khi đang đi làm nhiệm vụ sẽ bị xử phạt như sau:

- Người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự ô tô, mức phạt sẽ từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi trên còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.

- Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên, đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng; bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng. Nếu hành vi vi phạm này mà gây tai nạn giao thông sẽ bị tước giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.

- Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng, mức phạt cho hành vi trên sẽ từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng, nếu gây ra tai nạn giao thông sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 2 đến 4 tháng.

 

.
.
.