.

Chấm dứt hoạt động cơ sở "lăn trứng" chữa bệnh!

Cập nhật: 18:14, 28/03/2018 (GMT+7)

Vài tháng qua, nhiều người  truyền tai nhau tại TT. Phú Mỹ (huyện Tân Thành) có “cô Hiền” có thể chữa bệnh bằng cách “lăn trứng gỡ bùa ngải”. Nhiều người đã đến cơ sở này để nhờ “cô Hiền” chữa bệnh. Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã tìm hiểu sự việc.

Sáng 28-3, trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND TT. Phú Mỹ, cho biết: Ngày 27-3, chính quyền địa phương đã xuống kiểm tra, làm việc và yêu cầu bà Trần Thị Thu Hiền, trú tại khu phố Tân Hạnh, TT. Phú Mỹ chấm dứt việc bán thuốc không rõ nguồn gốc và khám, chữa bệnh kiểu “lăn trứng gỡ bùa ngải” dưới bất kỳ hình thức nào. “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, kiểm tra nếu phát hiện bà Hiền còn hành nghề thì sẽ có biện pháp xử lý nghiêm”, ông Bình nhấn mạnh.

Sáng cùng ngày, theo ghi nhận của chúng tôi, căn nhà cấp 4 của bà Hiền nằm sâu trong con hẻm nhỏ không còn nhộn nhịp người ra vào như thường lệ. Tiếp xúc với chúng tôi, bà Hiền (người bệnh gọi là “cô Hiền”) trần tình: Bà chỉ “lăn trứng gà” chữa bệnh theo cách bình thường cho vài người quen, chứ không chữa bệnh theo kiểu “gỡ bùa ngải” như người ta đồn thổi. Còn thuốc bán cho khách là thuốc đau khớp, nhức đầu, viêm xoang… gia truyền (?). Tuy nhiên, thuốc này không rõ nguồn gốc nên khi được chính quyền tuyên truyền vận động ngưng bán thì bà Hiền đã tiêu hủy hết, chỉ còn ít thuốc lá để dùng cho mình.

Bà Hiền cho biết thêm, cơ sở chữa bệnh bằng cách “lăn trứng” trước đây của bà Năm - là thông gia của gia đình. Sau khi bà Năm chết thì được truyền lại cho anh Tâm - con nuôi của bà Năm. Về việc chữa bệnh, bà Hiền cho biết, tùy vào yêu cầu của khách mà mỗi lần “lăn trứng” ít hay nhiều. Nếu như khách yêu cầu lăn 20 trứng thì bà sẽ lấy tiền trứng và công lăn 100 ngàn đồng, còn 1 gói thuốc nhỏ có giá 100 ngàn đồng. “Trước đây chú Tâm có chữa bệnh bằng phương pháp lăn trứng nhưng nghỉ lâu rồi. Tôi mới đến làm trong nhà bà Năm mấy tháng nay và bắt đầu lăn trứng cho mấy người quen thì báo chí phản ánh, chính quyền đến làm việc”, bà Hiền than (?!).

Bà Hiền và dụng cụ đựng trứng để lăn cho khách.
Bà Hiền và dụng cụ đựng trứng để lăn cho khách.

Trước đó, Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã có bài phản ánh tại nhà bà Năm (hiện nay do bà Hiền quản lý) có chữa bệnh “gỡ bùa ngải” bằng cách “lăn trứng” và bán thuốc không rõ nguồn gốc. Cơ sở này đã tồn tại ở địa phương từ rất nhiều năm nay, nhiều người biết, truyền tai nhau chủ cơ sở này như “Thần y” và được gọi với cái tên “cô Năm”. Sau khi “cô Năm” chết truyền lại nghề cho người con nuôi tên là Tâm, người đến đây vẫn gọi là “thầy Tâm”.

Người dân sinh sống trong khu vực cho biết, thời gian gần đây, bà Hiền quản lý cơ sở trên và cùng một số người quen chữa bệnh cho khách có nhu cầu. Đa số những người đến đây chữa bệnh đều từ các tỉnh miền Tây và vùng nông thôn trong tỉnh, có những người đến rất nhiều lần để chữa những căn bệnh liên quan đến thần kinh như ảo giác, nhức đầu, mất ngủ… Vào những ngày cuối tuần, rất đông người đến nhờ “cô Hiền” chữa bệnh!.

Căn nhà bà Hiền vắng vẻ sau khi bị chính quyền địa phương kiểm tra.
Căn nhà bà Hiền vắng vẻ sau khi bị chính quyền địa phương kiểm tra.

Qua sự việc trên cho thấy, nhiều người còn tin vào những chuyện phản khoa học như yểm và gỡ bùa ngải, rồi lo lắng chạy tìm thầy chữa trị. Thiết nghĩ, để tránh “tiền mất tật mang” mọi người không nên tin vào việc chữa bệnh theo kiểu “bùa ngải”, uống thuốc không rõ nguồn gốc. Thực tế ở một số địa phương miền Tây đã có trường hợp tử vong do “thầy” cho uống nước bùa và đánh vào người bệnh nhân để đuổi tà, trừ ma nhập!

Bài, ảnh: SƠN KHÊ

.
.
.