.
PHÒNG CHỐNG MA TÚY

Cuộc chiến còn nhiều cam go

Cập nhật: 20:34, 18/12/2017 (GMT+7)
Học viên cai nghiện tại Cơ sở Tư vấn và điều trị nghiện ma túy trong giờ giải trí.
Học viên cai nghiện tại Cơ sở Tư vấn và điều trị nghiện ma túy trong giờ giải trí.

Thời gian qua, công tác phòng, chống ma túy (PCMT) của tỉnh BR-VT đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần từng bước kiềm chế, ngăn chặn tệ nạn ma túy, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Nhưng những diễn biến của tội phạm ma túy đang trở nên phức tạp hơn, cho thấy cuộc chiến còn nhiều cam go.

Trong năm 2017, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 258 vụ/428 đối tượng có các hành vi mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy (so với năm 2016 tăng 53 vụ, tăng 103 đối tượng); Xử lý hình sự 244 vụ/281 đối tượng (tăng 55 vụ so với năm 2016); Xử lý hành chính 13 vụ/146 đối tượng. Tang vật thu giữ gần 30gr heroin, gần 2.353gr và 4.377 viên ma túy tổng hợp, 91gr cần sa khô, 961 triệu đồng, 3.200 USD cùng nhiều tang vật mà các đối tượng dùng để thực hiện hành vi phạm tội.

Tang vật một vụ tàng trữ, sử dụng trái phép ma túy bị lực lượng chức năng thu giữ trong năm 2017. Ảnh: PHƯƠNG ANH
Tang vật một vụ tàng trữ, sử dụng trái phép ma túy bị lực lượng chức năng thu giữ trong năm 2017. Ảnh: PHƯƠNG ANH

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh (Ban chỉ đạo 138), mặc dù số người nghiện ma túy đã giảm, nhưng tội phạm và tệ nạn liên quan đến ma túy tổng hợp và ma túy đá vẫn diễn biến phức tạp. Các vụ án được phát hiện và bắt giữ năm trong 2017 cho thấy tội phạm liên quan đến ma túy tổng hợp chiếm hơn 70% số vụ và số đối tượng; số người nghiện ma túy dạng đá tiếp tục tăng mạnh (chiếm 68% so với tổng số người nghiện ma túy). Bên cạnh đó là sự xuất hiện của một số loại ma túy tổng hợp mới nằm ngoài danh mục các chất ma túy được quản lý đã gây khó khăn, lúng túng cho các cơ quan chức năng trong điều tra, truy tố, xét xử.

Về cai nghiện ma túy, số học viên sử dụng ma túy được quản lý, điều trị tại Cơ sở Tư vấn và điều trị nghiện ma túy (TV-ĐTMT) ngày càng tăng dẫn đến tinh thần không ổn định, dễ bị kích động, khó quản lý. Công tác PCMT còn gặp nhiều khó khăn do sự kỳ thị, phân biệt đối xử của người dân, thậm chí người thân trong gia đình đối với người sử dụng ma túy còn nặng nề, tạo cho họ tâm lý chán nản, không có niềm tin để điều trị nghiện. Vấn đề tạo việc làm, hỗ trợ vốn cho người sau cai nghiện tại cộng đồng chưa phát huy hiệu quả. Các công ty, DN chưa mạnh dạn tiếp nhận người sau cai nghiện vào làm việc. Số người sau cai nghiện trở về địa phương phần lớn trình độ học vấn thấp, sức khỏe không ổn định, không có trình độ chuyên môn, thiếu vốn làm ăn, chủ yếu sống bằng nghề lao động tự do, tự tạo việc làm, khó khăn kinh tế. Bên cạnh đó, có người nghiện do mặc cảm, sau khi rời khỏi Cơ sở TV-ĐTMT không về lại địa phương mà bỏ đi nơi khác.

Nhóm đối tượng tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.
Nhóm đối tượng tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.

Với tình hình trên, theo Ban chỉ đạo 138, năm 2018, cơ quan chức năng cần tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm ma túy, tập trung triệt xóa các tổ chức, đường dây, băng nhóm, tụ điểm phức tạp về ma túy, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ, không để hình thành điểm nóng. Nâng cao hiệu quả công tác bắt giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; tạo sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ giữa cơ quan điều tra và lực lượng trinh sát, giữa cơ quan điều tra với VKSND, TAND; tăng cường công tác truy nã tội phạm ma túy, tập trung đấu tranh khai thác mở rộng các vụ án ma túy, lựa chọn một số vụ án để điều tra, truy tố, xét xử điểm (kể cả việc xét xử lưu động) nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa tội phạm ma túy; Làm tốt công tác tiếp nhận và xử lý tin báo, tố giác tội phạm; Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, PCMT, giữ gìn TTATXH…

Về điều trị cai nghiện, các địa phương cần được bổ sung thêm biên chế và các chế độ hỗ trợ các y, bác sĩ kiêm nhiệm thực hiện điều trị nghiện tại điểm tư vấn; Mở thêm các lớp tập huấn đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn về điều trị nghiện ma túy cho các cán bộ tham gia công tác điều trị nghiện các cấp tại địa phương, đặc biệt là cách nhận biết và các phương pháp chẩn đoán, điều trị các chất ma túy mới dạng hướng thần và gây ảo giác.

Bài, ảnh: PHƯƠNG ANH

.
.
.