.

Nhiều quy định mới về pháp luật hình sự

Cập nhật: 20:18, 27/12/2017 (GMT+7)
Công an huyện Châu Đức hỏi cung, ghi lời khai một đối tượng trộm cắp tài sản.
Công an huyện Châu Đức hỏi cung, ghi lời khai một đối tượng trộm cắp tài sản.

Từ ngày 1-1-2018, nhiều bộ luật và luật có hiệu lực thi hành, trong đó có: Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; Bộ Luật Tố tụng hình sự; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Báo Bà Rịa-Vũng Tàu giới thiệu tóm tắt một số nội dung nổi bật, quy định mới của các bộ luật, luật.

7 TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

Tại Chương IV, Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH 13 quy định về những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, tạo hành lang pháp lý an toàn để khuyến khích người dân tích cực tham gia phòng chống tội phạm, tham gia các hoạt động sản xuất, nghiên cứu khoa học có tính chất đột phá vì lợi ích chung. Cụ thể, phạm tội trong 7 trường hợp: sự kiện bất ngờ; phòng vệ chính đáng; tình thế cấp thiết; tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự; gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội; rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ; thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên sẽ được loại trừ trách nhiệm hình sự,

Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với nhiều trường hợp như: người 70 tuổi trở lên; phụ nữ có thai; người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình...

XỬ LÝ NGHIÊM VI PHẠM VỀ KINH DOANH ĐA CẤP

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH 13 quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng giới hạn trong 28 tội danh cụ thể được liệt kê tại Bộ luật Hình sự 100/2015/QH 13.

Luật bổ sung một tội danh mới vào Bộ luật Hình sự 100/2015/QH 13, đó là “Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp” (Điều 217a) nhằm xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh theo phương thức kinh doanh đa cấp đang diễn biến hết sức phức tạp trong thời gian qua, gây thiệt hại cho nhiều người, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội. Mức hình phạt cao nhất của tội danh này là bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

CHỐNG BỨC CUNG, NHỤC HÌNH

Với 36 Chương, 510 Điều, Bộ luật Tố tụng hình sự thể chế hóa đầy đủ chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Hiến pháp năm 2013; sửa đổi, bổ sung các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự, nhằm bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp như: Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác; suy đoán vô tội; không ai bị kết án hai lần vì một tội; tranh tụng trong xét xử được bảo đảm; bảo đảm sự kiểm tra, giám sát trong hệ thống từng cơ quan tố tụng và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng… Bộ luật cũng quy định các biện pháp chống bức cung, nhục hình; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát hoạt động tố tụng hình sự.

BẢO ĐẢM TỐT HƠN QUYỀN CỦA NGƯỜI BỊ TẠM GIỮ, TẠM GIAM

Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam có 11 Chương, 73 Điều, quy định về công tác quản lý giam giữ phục vụ có hiệu quả cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

Luật quy định một chương riêng (Chương V) về chế độ quản lý đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi ở cùng. Theo đó, các đối tượng này được hưởng chính sách ưu đãi về việc giam, giữ, chế độ ăn ở, quản lý, sinh hoạt, chăm sóc y tế, gặp gỡ thân nhân…; người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người chưa thành niên được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng ăn được tăng thêm. Trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam khi ốm đau, bệnh tật, thương tích thì được khám và điều trị tại cơ sở y tế, được nhận thuốc chữa bệnh từ thân nhân... Luật cũng quy định cụ thể hơn về phân loại quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam đối với người đồng tính, chuyển giới.

HUY ĐỘNG PHƯƠNG TIỆN CHO HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA HÌNH SỰ

Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự gồm 10 Chương, 73 Điều quy định về nguyên tắc tổ chức điều tra hình sự; tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tra; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra…

Nhằm bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ hoạt động điều tra hình sự, luật quy định trong trường hợp cấp thiết, để ngăn chặn hành động phạm tội, đuổi bắt người phạm tội, cấp cứu người bị nạn, điều tra viên được huy động, sử dụng phương tiện giao thông, thông tin liên lạc của cơ quan, tổ chức và cá nhân, kể cả những người điều khiển phương tiện ấy (trừ phương tiện của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và của những người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự) và phải hoàn trả ngay khi tình huống cấp thiết không còn; trường hợp xảy ra thiệt hại thì cơ quan điều tra có trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.

NHỰT THANH
(Tổng hợp)

.
.
.