Thí điểm thẩm phán mặc áo choàng khi xử án
TAND Tối cao vừa ra mắt mẫu trang phục mới của thẩm phán, dự kiến triển khai thực hiện thí điểm trong tháng 10-2016.
Theo đại diện TAND Tối cao, trang phục hiện nay của đội ngũ cán bộ, công chức ngành tòa án nói chung và thẩm phán nói riêng có nhiều bất cập: Chưa có hệ thống lễ phục, thẩm phán chưa có trang phục xét xử riêng, chất liệu vải chưa phù hợp tính chất thời tiết của các vùng miền… Vì vậy, TAND Tối cao đã xây dựng đề án đổi mới trang phục cán bộ, công chức ngành tòa án, trong đó có trang phục của thẩm phán, hội thẩm. Trong tháng 10-2016, sẽ có 41 đơn vị tòa án với hơn 1.500 thẩm phán thí điểm mặc áo choàng dài tay khi xét xử.
Yêu cầu đặt ra là trang phục mới phải thể hiện tính trang nghiêm, tính chuyên nghiệp của đội ngũ thẩm phán, góp phần nâng cao kỷ cương, kỷ luật, tác phong lễ tiết, danh dự, trách nhiệm nghề nghiệp, hình ảnh của người trực tiếp làm công tác xét xử - hình ảnh của công lý. Trang phục này phải được nghiên cứu trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc trang phục thẩm phán của các quốc gia trên thế giới, đảm bảo tính kế thừa truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng phải đảm bảo tính hiện đại về hình thức, màu sắc, tính năng sử dụng...
Quá trình lựa chọn mẫu trang phục, TAND Tối cao đã tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến các cơ quan hữu quan.
Mẫu trang phục của thẩm phán bốn cấp được thiết kế giống nhau để đảm bảo tính đồng bộ, chỉ khác ở vải phối và viền. Ngoài ra, chất liệu trang phục sẽ được lựa chọn phù hợp với đặc điểm thời tiết của từng vùng miền. Việc thí điểm được thực hiện tại TAND Tối cao, ba TAND Cấp cao, năm TAND TP trực thuộc trung ương, bốn TAND tỉnh: An Giang, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Điện Biên.