NGƯỜI VI PHẠM CHỦ YẾU LÀ NHỮNG HỘ DÂN ĐƯỢC GIAO KHOÁN!
Những cây đước này bị đốn hạ bởi chính những người được giao giữ, bảo vệ rừng ! |
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Tân Thành đã xảy ra 17 vụ vi phạm luật bảo vệ rừng. Đáng chú ý là hầu hết các vụ chặt phá rừng đều do những hộ dân được giao khoán rừng gây ra. Tại sao lại có tình trạng này? Các cơ quan chức năng đã xử lý tình trạng này như thế nào?
Chuyện người dân chặt cây rừng để đốt làm than đã xảy ra từ nhiều năm nay ở các xã có rừng trên địa bàn huyện Tân Thành. Hệ quả của việc chặt cây đốt làm than không chỉ làm ảnh hưởng đến hệ thống rừng chắn sóng, phòng hộ, chống triều cường mà còn dễ gây cháy nổ, ảnh hưởng đến môi trường của địa phương. Trong những tháng đầu năm 2004, Hạt Kiểm lâm Tân Thành đã tổ chức các đợt truy quét và kiểm tra các vùng rừng trên địa bàn huyện. Ở khu rừng ngập mặn thuộc các xã Mỹ Xuân, Hắc Dịch và Tân Hòa, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện 21 lò đốt củi than đước. Lực lượng chức năng đã phá hủy tại chỗ 16 lò, còn 5 lò do nằm trong nhà dân khó đập bỏ, tháo dỡ nên giao lại cho chính quyền địa phương xử lý. Ngoài việc chặt cây tự đốt làm than, các hộ dân còn chặt cây để bán cho những người có nhu cầu ở huyện Long Thành - Đồng Nai. Theo ông Nguyễn Văn Thềm, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Tân Thành thì các hộ dân vi phạm chủ yếu là những hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng với chủ rừng: Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh BR-VT. Một số người khác - cũng là những hộ được giao rừng thì tự động chặt cây để mở rộng mặt nước, tăng diện tích đùng nuôi tôm.
Đối với hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn ở Núi Dinh, tình hình chặt phá rừng vẫn còn xảy ra. Vào ngày 12-2-2004, lực lượng kiểm lâm huyện Tân Thành đã phát hiện và bắt quả tang ông Trương My đang có hành vi chặt, cưa cây rừng trái phép tại lô 7, khoanh 1, tiểu khu Châu Pha, thuộc rừng phòng hộ của tỉnh BR-VT. Điều đáng nói là khi lực lượng kiểm lâm tịch thu tang vật và tài sản phạm pháp thì UBND xã Châu Pha đã có hành vi cản trở: giữ xe của lực lượng kiểm lâm, không cho đi. Sau đó, chính ông Chủ tịch UBND huyện Tân Thành can thiệp với chính quyền xã thì xã mới cho phép kiểm lâm làm nhiệm vụ. Số lượng cây mà ông Trương My đã khai thác là 2,5 site cây tràm bông vàng. Ngoài ra, một số người dân tự ý chặt phá cây rừng, lấy mặt bằng để cất am, lập cốc trái phép trên Núi Dinh nhất là khu vực thị trấn Phú Mỹ. Trong mấy tháng đầu năm 2004, lực lượng kiểm lâm đã xử lý 5 trường hợp vi phạm.
Theo ông Nguyễn Tiến Khẩn - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tân Thành, sở dĩ còn xảy ra tình trạng phá rừng trước hết vẫn là do ý thức của người dân còn rất thấp . Họ chưa nhận thức được tính quan trọng của hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn Núi Dinh và rừng ngập mặn. Các hộ dân nhận khoán rừng chưa thực hiện đúng hợp đồng khi ký với chủ rừng. Chủ rừng chưa quản lý, giám sát chặt chẽ những hộ dân mà mình giao khoán. Cụ thể là chủ rừng chưa triển khai các trạm bảo vệ hay cắt cử nhân viên đi kiểm tra các xã có rừng và kiểm tra chính những hộ được giao rừng. Chủ rừng chưa thực hiện tích cực công tác quản lý và chưa có biện pháp mạnh tay như thanh lý hợp đồng hoặc xử phạt đối với những hộ dân vi phạm.
Để bảo vệ tốt hệ thống rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ở Tân Thành, ngoài sự nỗ lực cố gắng của lực lượng kiểm lâm cần có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, chủ rừng và chính những người nhận khoán rừng. Ngoài việc tuyên truyền ý thức bảo vệ rừng, đã đến lúc cần có biện pháp mạnh đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm luật bảo vệ rừng.
Bài, ảnh: L.Đ.T