.
VĂN HÓA BA MIỀN HỘI TỤ

Kỳ 4: Đam mê nghệ thuật tuồng cổ

Cập nhật: 18:57, 04/01/2021 (GMT+7)

Nghệ thuật tuồng cổ là một hình thức ca kịch độc đáo và đặc sắc, có từ lâu đời tại BR-VT. Bộ môn nghệ thuật này phát triển khá mạnh tại một số xã, phường của TP. Vũng Tàu, TP. Bà Rịa, TX.Phú Mỹ…

CLB Tuồng cổ biểu diễn vở tuồng “Mộc Quế Anh dâng cây” tại lễ cầu an  Đình thần Thắng Nhì (TP.Vũng Tàu) ngày 22/12/2020.
CLB Tuồng cổ biểu diễn vở tuồng “Mộc Quế Anh dâng cây” tại lễ cầu an Đình thần Thắng Nhì (TP.Vũng Tàu) ngày 22/12/2020.

Theo các tài liệu xưa cho thấy, từ những năm 30 của thế kỷ XX, nhiều đoàn nghệ thuật từ các tỉnh miền Tây đã đến thành phố biển Vũng Tàu biểu diễn tuồng cổ. Mỗi đêm trình diễn 1 vở tuồng, kéo dài khoảng 2 tiếng nhưng càng về khuya, lượng người đến xem càng đông. Từ đó, tuồng cổ trở thành loại hình nghệ thuật được ưa chuộng tại đây. 

Năm 1992, CLB Tuồng cổ ở Vũng Tàu được ông Đinh Văn Sen (nghệ danh Minh Sen) thành lập, với tên gọi là CLB Tuồng cổ Minh Sen. Những ngày đầu thành lập, CLB Tuồng cổ Minh Sen chỉ có khoảng 10 thành viên, đa số đến từ các tỉnh miền Tây, TP.Hồ Chí Minh và BR-VT. Phần lớn các thành viên trong CLB đều sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật sân khấu và yêu thích, đam mê tuồng cổ. 

Nghệ sĩ Minh Sen cho biết, ông là người con của tỉnh Bến Tre, năm 13 tuổi, ông đã theo ba mẹ đến sinh hoạt trong đoàn nghệ thuật Bến Tre, trở thành thành viên nhỏ tuổi nhất, thường xuyên phụ giúp các công việc lặt vặt trong đoàn. Qua sinh hoạt trong đoàn nghệ thuật, ông Sen tập tành theo học hát tuồng cổ và yêu thích lúc nào không hay. Năm 16 tuổi, ông Sen may mắn được đứng trên sân khấu, dù chỉ đóng 1 vai nhỏ bé trong vở tuồng nhưng cũng từ đây tình yêu đối với nghệ thuật sân khấu này cũng đã bắt đầu mạnh mẽ trong ông. Từ niềm đam mê ban đầu ông Sen đã quyết định gắn bó với nghệ thuật tuồng cổ này. Nhận thấy BR-VT là vùng đất mới, người dân yêu thích tuồng cổ, ông Sen đã chọn nơi đây để tiếp tục sự nghiệp sân khấu của mình, đưa nghệ thuật tuồng cổ đến gần hơn với công chúng.

Năm 2000, CLB Tuồng cổ Minh Sen với 30 thành viên được tỉnh công nhận và sáp nhập vào Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh. Từ đó, nghệ thuật tuồng cổ được biểu diễn nhiều hơn, được công chúng đón nhận nhiều hơn. 

Theo nghệ sĩ Minh Sen, tuồng có nét riêng, khá khác biệt với các nghệ thuật sân khấu như chèo, cải lương... Ở tuồng tái hiện âm hưởng hùng tráng với 2 loại chính là tuồng kinh điển và tuồng dân gian. Hầu hết nội dung trong tuồng cổ mang tính giáo dục cao, đề cập đến các câu chuyện về hiếu, trung, tín, lễ, tiết, nghĩa. Từ đó, tái hiện lại hình ảnh những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử về trung quân báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, bài học về lẽ ứng xử của con người… Ngôn ngữ hình thể là một phần quan trọng của tuồng cổ để diễn tả hành động và tính cách nhân vật. Khuôn mặt của mỗi nhân vật đều được hóa trang riêng để phân biệt tính cách, nhân phẩm. Chỉ nhìn vào mặt nạ sẽ biết nhân vật của vai diễn là tốt hay xấu. Người gian ác mặt trắng, râu đen; người trung nghĩa mặt đỏ, râu đen, ông bà lão thì tạo nếp nhăn. Đạo cụ thường là: kiếm, đao, thương, cờ, quạt, roi ngựa, phất trần... “Người nghệ sĩ trong 1 vở diễn tuồng phải làm tốt nhiều động tác hình thể, vừa nói, vừa thực hiện vũ đạo và các động tác múa binh khí. Đồng thời, người nghệ sĩ còn cần phải kết hợp nhuần nhuyễn điểm rơi của thanh điệu để ngắt nhịp cho đúng theo tiết tấu của các nhạc cụ”, nghệ sĩ Minh Sen bày tỏ.

Những năm qua, CLB Tuồng cổ Minh Sen đã tổ chức nhiều buổi giao lưu, biểu diễn các vở tuồng hay, độc đáo trong lễ hội cầu an, phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật sân khấu của khán giả. Một số vở tuồng để đời đã ra đời như: “Hào khí Tây Sơn”, “Mộc Quế Anh dâng cây”, “Ngũ hổ bình tây”, “Tam quốc chí”, “Chung Vô Diệm”, “Đường kinh tây”… Những vở tuồng này được dàn dựng công phu và giành được nhiều giải thưởng quan trọng trong các cuộc thi, đây cũng là động lực để các nghệ sĩ gắn bó với nghề.

Hiện CLB Tuồng cổ Minh Sen tỉnh có 30 thành viên, thường xuyên sinh hoạt mỗi tháng 2 lần ở Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh. Các thành viên tham gia CLB đa phần là thế hệ trẻ kế thừa, phát huy truyền thống yêu nghệ thuật sân khấu của gia đình, đam mê yêu thích và được học từ nhỏ. Giữa bộn bề mưu sinh nhưng mọi thành viên đều giữ được đam mê và luôn có mặt đông đủ, tập luyện nghiêm túc khi tham gia sinh hoạt.

Bài, ảnh: NGỌC TRÚC

 
.
.
.