Kỳ 7: Quần thể di tích Đình thần An Ngãi
Tồn tại đã hàng trăm năm nay, đình thần xã An Ngãi (huyện Long Điền) trở thành một phần trong đời sống tâm linh của người dân địa phương.
Ông Lương Văn Chón, Trưởng Ban Tế tự dâng hương tại Miếu Bà Thánh Mẫu. |
Quần thể di tích Đình thần xã An Ngãi nằm trong khuôn viên rộng khoảng 9.000m2, gồm 3 công trình riêng biệt là Miếu Bà Thánh Mẫu, Miếu Ông Quan Thánh và Đình thần. Ông Lương Văn Chón, Trưởng Ban Tế tự cụm di tích Đình thần An Ngãi kể, gia đình ông đã 3 đời nay làm công việc coi sóc Đình thần nhưng hiện nay thông tin về di tích này cũng như vị thần được thờ tự hầu như không còn, do hậu quả của chiến tranh, loạn lạc. Chỉ biết rằng, Đình thần tồn tại đã hàng trăm năm nay, gắn với việc mở đất, lập làng, thờ Thành hoàng, vị nhân thần bảo hộ cho làng, xã.
Ông Chón cho biết thêm, theo những gì đời cha ông ông kể lại thì nơi đây vốn chỉ là một ngôi đình nhỏ nhưng đến năm 1956, đình được xây dựng lại khang trang, rộng rãi hơn với toàn bộ cột, kèo bằng gỗ, trên mái lợp ngói âm dương và ngói móc. Năm 1967, đình được tôn tạo lại lần đầu tiên và gần đây nhất là năm 2017, ngôi đình tiếp tục được tu sửa từ nguồn đóng góp của người dân địa phương. Hiện nay, gian ngoài của ngôi đình thờ Tiền hiền, những người có công quy dân lập ấp, gian trong thờ Thành hoàng.
Bên cạnh Đình thần là hai công trình thờ tự Miếu Bà Thánh Mẫu và Miếu Ông Quan Thánh. Ông Nguyễn Văn Hoàng, thành viên Ban Tế tự cho hay, Đền thờ Ông Quan Thánh được thành lập năm 1967. Trước đây, ngôi miếu này có 3 ban, một ban thờ Quan Thánh Đế Quân, một ban thờ Bà Chúa Thai Sanh cùng 5 Bà Ngũ Hành, một ban thờ dã thần thổ địa. Sau đó, nhân dân địa phương lập Miếu Bà Thánh Mẫu để thờ phụng riêng Bà Chúa Thai Sanh cùng 5 bà Ngũ hành.
Còn Miếu Bà Thánh Mẫu lại gắn liền với tín ngưỡng thờ Bà Mụ, một tín ngưỡng khá phổ biến trong dân gian. Bà Mụ là những vị thánh kiến tạo và phù hộ thai nhi, thai phụ. Trong đó, đứng đầu là Kim Hoa Thánh mẫu, còn gọi là Chúa Sanh nương nương hay Thai Sanh Thánh Mẫu. Trong Miếu Bà Thánh Mẫu, ngoài Thai Sanh Thánh Mẫu còn có 5 bà Ngũ hành hay Ngũ hành Thánh Mẫu. Ngũ hành Thánh mẫu, được triều đình Nguyễn sắc phong là “Đức thánh nương nương, Trứ phong Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần”, phân ra là: Thổ Đức Thánh Phi, Hoả Đức Thánh Phi, Kim Đức Thánh Phi, Thủy Đức Thánh Phi và Mộc Đức Thánh Phi. Dân gian tin rằng các bà Ngũ hành có những quyền năng nhất định đối với các nghề liên quan đến đất đai, củi lửa, kim khí, nước và cây gỗ. Tức đây là nhóm thần linh có thể phù hộ cho nông dân, ngư dân, thợ thủ công… hầu hết tầng lớp thứ dân trong xã hội cổ xưa. Từ màu sơn thân tượng cho đến y áo, khăn choàng khoác ngoài, mỗi Đức Bà (tức mỗi Hành) đều có màu riêng biệt. Kim Bà mặc áo trắng, Mộc Bà áo xanh, Hỏa Bà áo đỏ, Thủy Bà áo đen (hoặc tím) và Thổ Bà thì áo vàng. Thổ Bà được đặt chính giữa vì quan niệm của người xưa cho rằng Đất là yếu tố trung tâm của vũ trụ.
Theo ông Lương Văn Chón, tại Đình thần An Ngãi, hàng năm, có rất nhiều dịp lễ hội lớn. Có thể kể đến là lễ khai sơn đầu năm vào Mùng 8 Tết, lễ cúng vía lệ Bà Thánh Mẫu vào ngày 19/4, lễ cúng vía Thành hoàng ngày 11/5, lễ cúng vía Ông Quan Thánh ngày 24/6, lễ cũng vía Thần Nông ngày 25/10, lễ cúng lệ thần vào ngày 11 và 12/11 (Âm lịch). Vào những dịp này, làng cử ra 1 Chánh tế làm người đại diện chánh cúng và 1 ban học trò lễ (những người cùng tham gia nghi thức cúng tế). Nghi thức cũng kéo dài khoảng 1 giờ. Sau khi Trưởng Ban Tế tự dâng hương, Chánh tế sẽ hành lễ, dâng đủ 3 tuần hương, 3 tuần rượu và 3 tuần trà. Lễ vật cúng Quan Thánh và Thánh Mẫu đều là cơm chay, còn lễ vật tế thần buộc phải có 1 con heo nguyên con đã làm sạch. Vào những dịp lễ lớn, Ban Tế tự còn mời đoàn cải lương về biểu diễn các tuồng tích cổ và làm cỗ mời dân làng tham dự. Riêng lễ cúng vía lệ Bà Thánh Mẫu, bà con còn thực hiện nghi thức “đắp y cho Mẹ”, nghĩa là lau chùi, sơn sửa, thay áo, mão mới cho các pho tượng Bà.
Bài, ảnh: HOÀNG DƯƠNG