.
VĂN HÓA BA MIỀN HỘI TỤ

Kỳ 2: Giữ lửa đam mê quan họ

Cập nhật: 18:10, 28/12/2020 (GMT+7)

Tại CLB Quan họ Giao Duyên Vũng Tàu, thế hệ đi trước truyền lửa đam mê cho lớp sau, với mong muốn giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của quê hương.

CLB Quan họ Bắc Ninh tại TP. Vũng Tàu.
CLB Quan họ Bắc Ninh tại TP. Vũng Tàu.

Ông Ngô Mạnh Dũng, Chủ nhiệm CLB Quan họ Giao Duyên Vũng Tàu cho biết, dân ca quan họ Bắc Ninh là một hình thức hát giao duyên giữa các liền anh, liền chị. Đây là một trong những làn điệu dân ca tiêu biểu của vùng châu thổ sông Hồng. Vì quan họ mang âm hưởng đặc trưng của những người con Bắc Bộ, khi mang đến vùng đất sôi nổi, trẻ trung, năng động như thành phố biển Vũng Tàu biểu diễn, thường rất kén người nghe, nhất là giới trẻ. Để thích ứng với sự phát triển của xã hội, các bài hát quan họ được CLB chọn lọc, đổi mới âm điệu, lời bài hát.

Quan họ có nhiều thể loại và cách hát. Ở Vũng Tàu, 2 thể loại phổ biến là hát giao duyên và đối đáp. Theo đó, âm điệu phải tươi vui, tiết tấu phải nhanh mới phù hợp thị hiếu của khán giả. Trong các buổi biểu diễn quan họ ở những sân khấu lớn, CLB Quan họ Giao Duyên luôn lồng ghép các bài hát mang âm hưởng quan họ cổ và cách tân để người nghe vừa hiểu được lời bài hát, ấn tượng với giai điệu mà vẫn giữ được nét văn hóa dân tộc của loại hình nghệ thuật này. Nhờ vậy, những làn điệu quan họ ngày càng được nhiều người ở Vũng Tàu biết đến hơn, góp phần làm cho dân ca quan họ có sức sống và lan tỏa mạnh mẽ hơn. “Âm điệu của quan họ cổ chậm rãi, trầm buồn, diễn tả sâu sắc những sinh hoạt thường ngày của người dân vùng Bắc Bộ. Khi đến ở vùng đất mới, quan họ đã được phát triển theo hướng mới, tiết tấu nhanh hơn, lời hát mới mẻ, vui tươi hơn để phù hợp với các hoạt động và đời sống của người miền Nam”, ông Dũng chia sẻ.

Là người yêu thích văn nghệ, ngoài biệt tài đánh đàn bầu, bà Trần Thị Mận (SN 1957, ngụ đường Bình Giã, phường 10, TP. Vũng Tàu) cũng rất thích hát quan họ. Bà Mận cho biết, bà sinh ra và lớn lên ở miền Trung nhưng khi được nghe những làn điệu ngọt ngào, nhẹ nhàng của dân ca quan họ Bắc Ninh, bà đã mê mẩn âm hưởng của loại nhạc này và tự tìm tòi học hỏi cách hát. Vì yêu thích quan họ nên từ năm 2015, bà đã tham gia CLB Quan họ Giao Duyên Vũng Tàu. Bà tự tin đứng vào hàng ngũ liền anh, liền chị để hát giao duyên, đối đáp bằng cả những làn điệu cách tân và làn điệu cổ được phục dựng: “Hát quan họ với tư cách là một người truyền bá nét văn hóa đặc trưng vùng miền có giá trị lịch sử tới đông đảo công chúng là niềm tự hào lớn với tôi và những người con xa quê”, bà Mận phấn khởi nói.

CLB Giao Duyên Vũng Tàu có 20 thành viên chính thức và 10 cộng tác viên thường xuyên. Trong đó, hơn 95% thành viên là những người con của tỉnh Bắc Ninh. Đa số người tham gia CLB đã lớn tuổi, hầu hết đã nghỉ hưu. Người trẻ tham gia rất ít. Do đó, việc gìn giữ, bảo tồn những làn điệu quan họ là điều mà ông Dũng và các thành viên CLB luôn trăn trở.

Để lan truyền niềm đam mê quan họ, thỉnh thoảng CLB Quan họ Giao Duyên Vũng Tàu còn biểu diễn tại các trường học. Ngoài ra, các thành viên CLB còn tập luyện cho con em hát những bài quan họ đơn giản để biểu diễn trong các dịp Tết Trung thu hay ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, với mong muốn gieo niềm đam mê quan họ ở các thế hệ kế cận. “Chúng tôi sẽ truyền dạy quan họ cho lớp trẻ để các em hiểu hơn về văn hóa dân tộc, từ đó gìn giữ và góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của những làn điệu này. Đồng thời mong muốn những làn điệu dân ca quan họ sẽ được đưa vào trường học, để có nhiều HS biết đến hơn”, ông Ngô Mạnh Dũng bày tỏ.

Bài, ảnh: NGỌC TRÚC

.
.
.