Kỳ 5: Tổ đình Thiên Thai – nơi gắn với tinh thần yêu nước phụng đạo
Tổ đình Thiên Thai ẩn mình dưới chân núi Dinh Cố, tọa lạc tại ấp Phước Trung, xã Tam Phước, huyện Long Điền. Gần 100 năm tuổi, Tổ đình Thiên Thai không những được nhiều người biết đến bởi cảnh quan, kiến trúc mà còn gắn liền với nhiều câu chuyện ly kỳ của người sáng lập nên, với chủ trương chấn hưng Phật giáo ở vùng Nam Bộ.
Tổ đình Thiên Thai đã được công nhận di tích văn hoá cấp tỉnh vào năm 2008. |
Ông Vương Quốc Thịnh, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng VH-TT huyện Long Điền cho biết: “Tổ đình Thiên Thai đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa - kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh theo Quyết định 4394/QĐ-UBND ngày 3/12/2008. Tổ đình được xây dựng từ năm 1922 bởi ông Lê Quang Hòa (SN 1873) có pháp danh Huệ Đăng. Đây là chốn Phật pháp linh thiêng, có nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, gắn liền với những câu chuyện ly kỳ. Đặc biệt, Hòa thượng Huệ Đăng và Tổ đình Thiên Thai - tiêu biểu cho tinh thần Phật giáo gắn với truyền thống yêu nước phụng đạo. Ông còn là người diễn Nôm các kinh bằng chữ Phạn mà ngày nay vẫn được các phật tử tụng niệm như: Kinh Vu Lan, Kinh Di Đà, Bát Nhã Tâm Kinh, Tịnh Độ Chánh Tông...”
Tổ đình Thiên Thai tọa lạc trên diện tích khoảng 6ha, được chia làm 4 khu chủ yếu là: điện chính (Thiên Thai), Thạch Động, Thiên Khánh và Thiên Bửu Tháp (được xây dựng năm 1936).
Hòa thượng Huệ Đăng quê ở Tây Sơn, Bình Định. Ông tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp từ năm 17 tuổi. Năm 1895, phong trào chống Pháp của Phan Đình Phùng thất bại. Nhiều cơ sở, tổ chức ở Bình Định bị phá vỡ, anh em chiến sỹ bị bắt, bị tù đày. Ông tìm đường vào Nam và đi tu. Nhưng hoài niệm cứu nước vẫn canh cánh trong lòng bậc chân tu, thể hiện trong cuộc sống, trong giảng dạy đạo pháp Phật giáo cho đệ tử, ông đã đào tạo được nhiều tăng ni yêu nước. Những người trụ trì Thiên Thai các thời kỳ đều thực hiện theo tinh thần đạo pháp gắn với dân tộc.
Hòa thượng Tâm Pháp, Trụ trì Tổ đình Thiên Thai cho hay: Dân gian thường tương truyền câu chuyện Hòa thượng Huệ Đăng lúc về khai phá Thạch Động ẩn tu dưới chân núi Dinh Cố. Chuyện kể là ở chân núi có một hang đá lớn nhưng đã có một con cọp ở, Hòa thượng Huệ Đăng khấn nguyện thì cọp nhường chỗ.
Đáng chú ý là năm 1935, Hòa thượng Huệ Đăng thành lập Hội Thiên Thai Thiền Giáo Tông và xuất bản tờ Bát Nhã Âm để vận động phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Theo tâm niệm của ông, việc duy trì Phật pháp chính là mở rộng việc hoang hóa lợi sinh, giáo dục thiên tính, gieo trồng duyên lành cội phước.
Hòa thượng Tâm Pháp kể tiếp: Năm 1941, khi đã gần 70 tuổi, Hòa thượng Huệ Đăng trở về thăm quê nhà. Quan huyện Bình Khê (nay thuộc huyện Tây Sơn) và các nhân sĩ ở Bình Định đã mời hòa thượng ở lại quê để truyền giảng Phật pháp và cụ cho xây dựng chùa Thiên Tôn. Năm 1943, Hòa thượng được các đồ đệ rước trở lại Tổ đình Thiên Thai. Bấy giờ sức khỏe của Hòa thượng Huệ Đăng đã giảm sút nhiều. Ngài luôn khuyên bảo đồ chúng lo tinh tấn tu hành, cố gắng giữ gìn chính pháp, một lòng một dạ với sự nghiệp lợi sanh. Hòa thượng Huệ Đăng viên tịch vào ngày 11/7/1957 (âm lịch).
“Hàng năm, lễ giỗ Sư tổ Huệ Đăng tại Tổ đình Thiên Thai được tổ chức trang trọng trong 2 ngày 10 và 11/7 (âm lịch) với sự tham gia của hàng nghìn người dân địa phương và du khách từ các tỉnh lân cận đổ về”, Hòa thượng Tâm Pháp cho hay.
Bài ảnh: HUYỀN TRANG