Kỳ 1: Giai thoại về cái giếng cổ
Tọa lạc trên triền Núi Lớn (90, Trần Phú, phường 5, TP. Vũng Tàu) là một ngôi miếu có tên gọi Giếng Ngự, bởi trong miếu có 1 cái giếng cổ, chứa đựng những giai thoại ly kỳ.
Bà Trần Thị Vân (65 tuổi), thường xuyên đến miếu cầu phúc, bình an cho gia đình. |
Theo những giai thoại được lưu truyền trong dân gian về Miếu bà Giếng Ngự (còn gọi là Giếng Gia Long), đây là nơi vua Gia Long từng đến. Truyền thuyết kể rằng, trong khi trốn chạy sự truy sát của vua Quang Trung, quan quân nhà Nguyễn đã đặt chân đến vùng núi này. Đến đây, chủ tớ cùng khát khô cả họng, nhưng không tìm ra dòng nước ngọt nào bởi bốn bề toàn là biển cả. Nhà vua bèn cắm thanh gươm xuống đất và khấn rằng, nếu ông còn “chân mệnh thiên tử” thì sẽ mang nước ngọt tới. Lát sau, xung quanh thanh gươm rỉ ra nước ngọt. Ông và quân lính vui mừng khôn xiết, vội đào quanh thanh gươm tạo thành một cái giếng lấy nước uống…
Từ đó, người xưa đồn rằng, uống nước giếng này có thể giúp con trai, con gái xinh đẹp, tài năng như công chúa, hoàng tử. Người xưa còn tin rằng, nước giếng giúp chữa lành nhiều chứng bệnh, giúp đẹp da, đẹp tóc. Trải qua hàng trăm năm, đến nay nhiều khách thập phương và người dân địa phương vẫn tìm đến để cầu an, xin nước giếng về tắm, gội cầu mong sức khỏe, bệnh tật tan biến.
Những người địa phương có gia đình sống nhiều đời ở đây cho biết, chiếc giếng cổ này không dưới 100 năm, ước khoảng vào năm 1788. Bà Nguyễn Thị Thúy Phượng (65 tuổi), cai quản ngôi miếu này kể, năm 1935, ông Hai Thiệu là ông nội của bà cùng một số người dân trong vùng lên núi đốn củi đã phát hiện ra cái am nhỏ có bức tranh vẽ thờ 5 Bà chúa của vùng đất này. Kế bên là cái giếng như giai thoại kể trên. Sau đó, ông đã xây dựng lại am thành miếu và đặt tên là Miếu bà Giếng Ngự. Từ đó đến nay, ngôi miếu được các thế hệ trong gia đình ông Hai Thiệu trông giữ và chăm sóc.
Với những giai thoại kỳ bí, ngôi miếu thu hút khá đông khách thập phương và người dân địa phương đến thăm viếng, cầu phúc lành. Bà Trần Thị Vân (65 tuổi, ở phường 5), cho hay: “Từ nhỏ, tôi đã nghe người dân trong vùng kể về sự linh thiêng của ngôi miếu và chiếc giếng này. Tuần nào tôi cũng lên đây để cầu phúc, cầu sức khỏe, an lành cho cả gia đình và xin nước giếng về ngâm chân với ước mong khỏe mạnh”.
Có một thời gian, nhiều người dân, du khách lấy nước giếng để tắm giặt khiến cho nguồn nước dần mất đi tính linh thiêng và gây nên cảnh lộn xộn, phản cảm. Để bảo vệ nguồn nước giếng, gia đình bà Phượng đã xây lại giếng, hằng ngày múc nước lên đóng vào từng chai nhỏ cho khách hành hương mang về. Chiếc giếng có miệng khoảng 80cm, độ sâu chừng 3-4m, nhưng quanh năm có nước và rất ngọt, mát. Năm 2019, ngôi miếu đã được sửa sang, tu bổ khang trang từ nguồn đóng góp của bá tánh.
Hiện nay, ngôi miếu có khu thờ 5 Bà chúa. Tục thờ 5 Bà xuất phát từ tín ngưỡng thờ mẫu, là 5 vị thánh mẫu cai quản, bảo trợ vùng núi này. Ngoài ra, miếu còn có các quần thể thờ tự: các vị thần núi, vua Gia Long, phật bà Quan âm, ngũ hổ, Giếng Ngự.
Vào ngày 16/3 âm lịch hằng năm, tại miếu diễn ra lễ cúng Bà. Trong ngày này, gia đình bà Phượng thường tổ chức cúng 7 mâm gồm: mâm vàng, mâm bạc và 5 mâm ngũ sắc tượng trưng cho 5 Bà. Các mâm cúng đều là thực phẩm chay, hoa quả, cau trầu… Nghi thức cúng theo phong tục thờ mẫu gồm có lễ đội mâm và dâng mâm lên Bà.
Bài, ảnh: MINH THIÊN