.

MIẾU, ĐÌNH XƯA VÀ NHỮNG CÂU CHUYỆN KỲ BÍ - Kỳ 2: Đình thần Phước Hưng - Nơi thờ vị võ tướng nhà Nguyễn

Cập nhật: 18:14, 08/12/2020 (GMT+7)

Đình thần Phước Hưng tọa lạc tại ấp Lò Vôi, xã Phước Hưng, huyện Long Điền. Đình là nơi thờ phụng ông Võ Tánh - người được xưng tụng là một trong “Gia Định tam hùng”.  

Cổng Đình thần Phước Hưng.
Cổng Đình thần Phước Hưng.

Cách Hương lộ 5 luôn nhộn nhịp người xe chừng 1km, Đình thần Phước Hưng lại là một không gian yên ả, êm đềm dưới tán cây xanh và mộc mạc mái ngói của những gian thờ nho nhỏ chạy dài cùng những hàng cột vuông vức. Bước qua cổng vào sân đình, khách cảm giác nhẹ nhõm, an yên bởi bóng mát của tán đa, bồ đề cổ thụ sân đình. 

Ông Bùi Văn Lợi, Trưởng BQL Đình thần Phước Hưng năm nay đã ngoài 90 tuổi, nhưng vẫn rất minh mẫn. Ông sinh ra và lớn lên tại Phước Hưng nên hiểu rõ về ngôi đình này. “Trước đây, đình thuộc ấp Phước Hưng, xã Phước Tỉnh. Theo lời người xưa truyền lại, Đình thần Phước Hưng do các ông: Trần Văn Ngữ, Trần Văn Khuyến, Bùi Văn Lăng và Nguyễn Văn Hành lập nên”, ông Lợi chậm rãi kể. 

Ban tế tự Đình thần Phước Hưng thực hiện nghi thức cúng tế tại đình.
Ban tế tự Đình thần Phước Hưng thực hiện nghi thức cúng tế tại đình.

Theo ông Lợi, ngôi đình thần thờ danh tướng Võ Tánh (còn gọi là Võ Công Tánh). Ông quê gốc ở huyện Phước An, Biên Hòa. Ông tinh thông võ nghệ, binh thư, được người thời đó xưng tụng là một trong “Gia Định tam hùng” (hai người còn lại là Đỗ Thành Nhơn và Châu Văn Tiếp). Những năm 1784-1788, ông Võ Tánh góp công mở rộng bờ cõi nhà Nguyễn ở vùng Gò Công (tỉnh Tiền Giang ngày nay). Năm 1801, ông đã tuẫn tiết do bị quân Tây Sơn bao vây thành Bình Định. Sau này, ông được vua Gia Long truy tặng Hoài Quốc Công. Ông Lợi cho biết, theo lời các cụ già trong làng truyền lại, sau khi tướng Võ Tánh tuẫn tiết, linh hồn của ông theo đám mây bay về và quy tụ tại ấp Lò Vôi. Sau này, ông được phong Quốc Công, người dân làng Phước Tỉnh đã lập đình thần thờ ông, coi ông như một vị Thành Hoàng làng.

Sau khi ngôi đình bị cháy vào năm 1945, người dân di chuyển đình về vị trí hiện tại ở ấp Lò Vôi, thuộc xã Phước Hưng ngày nay. Đình thần mới được dựng lại từ năm 1959, bằng những cây gỗ lớn do người dân khai phá, vách đất, lợp ngói âm dương. Trên diện tích hơn 2.200m2, ngôi đình gồm: Đình thần, Miếu thần thành hoàng, Miếu Bà ngũ hành và công trình phụ là nhà bếp, 
nhà kho. 
Năm 2000, sau khi xã Phước Hưng được thành lập, các cụ cao niên quyết định giữ nguyên tên gọi Phước Hưng để đặt cho ngôi đình. Đình thần cũng được trùng tu, xây tường gạch, là nơi để người dân tới thắp nhang, cầu mong những điều tốt đẹp cho bản thân và gia quyến. Mỗi khi gia đình có công việc lớn (dựng vợ, gả chồng cho con, nhà có người thân qua đời…), người dân đều đến đình dâng hương, kính báo Thành Hoàng.
Ông Đỗ Văn Hiển, Chánh tế Đình thần Phước Hưng cho biết, hàng năm, tại đình có 3 lễ cúng lớn: Vía Bà (22 và 23/3 âm lịch), cúng Ông Thành Hoàng (11/5) và Lệ cầu an (10/11). Những ngày này, hàng trăm người dân trong xã đến đình, mang theo lễ vật là heo quay, gà luộc, hoa, trái cây để cầu mong cho xã tắc an yên, mưa thuận, gió hòa, nhà nhà hạnh phúc. Nhiều chủ ghe, tàu neo đậu tại xã Phước Hưng cũng đến đình thần dâng hương, cầu cho chuyến đi biển thuận lợi, tôm cá đầy khoang. Những ngày lễ, Ban tế tự đình tổ chức nấu ăn phục vụ bà con, không khí rất đông vui và phấn khởi. “Trước đây, các lễ cúng còn có hát cải lương, hát bả trạo, nhưng sau này chúng tôi rút gọn chương trình. Tiền người dân cúng đình được ghi chép công khai, minh bạch, sử dụng vào công việc trùng tu, sửa chữa đình”, ông Hiển nói. 

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH

.
.
.