MIẾU, ĐÌNH XƯA VÀ NHỮNG CÂU CHUYỆN KỲ BÍ

Kỳ 4: Ngôi đền đốt 3 lần không cháy

Thứ Năm, 10/12/2020, 19:28 [GMT+7]
In bài này
.

Trước đây, xã Hắc Lăng có 2 đền thờ gồm: Đền Diên công và Đền Châu Quận công. Năm 1946, Đền Châu Quận công bị đốt cháy rụi nên Ban Tế tự đem bài vị về phối thờ trong Đền Diên công (sau này đổi tên thành Đình thần Hắc Lăng). 

Nhà tiếp tân là nơi các kỳ lão tiếp đón khách đến tham quan, cúng bái tại Đình thần.
Nhà tiếp tân là nơi các kỳ lão tiếp đón khách đến tham quan, cúng bái tại Đình thần.

Diên công (Nguyễn Diên, sống ở thế kỷ XVII) là vị quan văn, võ song toàn dưới thời chúa Nguyễn. Châu Quận công, tức Châu Văn Tiếp (1738-1784), là danh tướng Việt Nam cuối thế kỷ XVII, dưới thời nhà Nguyễn. Ông được người đời xưng tụng là một trong Tam hùng Gia Định. 

Những người trong Ban Tế tự Đình thần Hắc Lăng cho hay, năm 1946, thực hiện cuộc vận động “toàn dân bất hợp tác với giặc”, chính sách “vườn không nhà trống”, “đốt sạch, phá sạch, rút sạch”, du kích xã Tam Phước đã đốt các đình, chùa trong xã. Đền Châu Quận công (thờ ông Châu Văn Tiếp) bị đốt cháy rụi, còn Đền Diên công (thờ ông Nguyễn Diên) chỉ cháy đến chánh điện thì tắt, dù những người làm nhiệm vụ đã châm lửa đốt thêm 2-3 lần. “Dân làng tin rằng đền là nơi linh thiêng nên không đốt nữa”, ông Lê Thanh Hòa, Trưởng Ban Tế tự, Chánh lễ Đình thần Hắc Lăng kể.  

Năm 1954, dân làng đã tu sửa phần bị cháy của Đền Diên công và đem bài vị, ngai của ông Châu Văn Tiếp về phối thờ chung. Hàng năm, dân làng tổ chức cúng tế một lần cho cả hai ông Nguyễn Diên và Châu Văn Tiếp vào ngày 16/6 âm lịch. Năm 1961, Đền Diên Công lại được tu bổ, xây thêm nhà võ ca (phục vụ hát bội) và nhà khách. Năm 1975, đất nước thống nhất, các kỳ lão đem sắc chỉ, sắc phong về lưu giữ tại Đền Diên công. Ngôi đền được đổi tên thành Đình thần Hắc Lăng từ đó. Đình thần Hắc Lăng được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh từ năm 2011. 

Đến thăm Đình thần Hắc Lăng, khách được nghe kể nhiều câu chuyện kỳ bí. Chẳng hạn, vào đêm 16/6 âm lịch (ngày Vía Ông), người dân thường nghe tiếng lục lạc, vó ngựa hoặc thường thấy đốm lửa xanh sà xuống đình; hay câu chuyện đốt lửa 3 lần nhưng chánh điện không cháy. Cũng có người được bề trên mách bảo để tránh những điều chẳng lành, còn người có ý xúc phạm đình thần sẽ bị quở phạt, gặp kết quả không tốt... Những câu chuyện này khiến Đình thần Hắc Lăng càng thêm linh thiêng trong lòng người dân.

Hôm chúng tôi đến thăm Đình, đúng dịp một số người dân đến dâng hương “Cúng vía lên đồng” (25/10 âm lịch). Mỗi người đều mang vài món vật phẩm: xôi trắng, xôi nếp cẩm, thịt heo luộc, bánh trái... Sau khi dâng cúng Ông, họ bày biện các món vật phẩm thành một mâm ấm cúng và cùng thụ lộc. 

Sau nhiều năm xuống cấp, tháng 3/2019, di tích Đình thần Hắc Lăng đã được trùng tu, tôn tạo hoàn toàn với nhiều hạng mục quan trọng: Phục chế toàn bộ mái ngói âm dương, thay thế những thanh xà gỗ bị mục; xử lý những ụ mối tại Miếu Ông Hổ, Miếu Thần Nông... nhưng vẫn giữ được “hồn cốt” của nguyên bản. Công trình hoàn thành từ tháng 4/2020, với kinh phí gần 8,2 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh. 

“Mong rằng, sau khi được trùng tu, Đình thần Hắc Lăng sẽ trở thành điểm đến của người dân, du khách, đồng thời phát huy vai trò của một di tích; giúp giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của cha ông, hun đúc thêm cho các thế hệ về tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam nói chung, tỉnh BR-VT nói riêng”, ông Vương Quốc Thịnh, Phó Trưởng Phòng VH-TT huyện Long Điền bày tỏ.

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH

 
;
.