Bình Giã - Đòn sấm sét vào chiến lược Chiến tranh đặc biệt
>>> Bình Giã - Đòn sấm sét vào chiến lược Chiến tranh đặc biệt
Chiến dịch Bình Giã (1964-1965) chia làm 2 đợt: Đợt, 1 từ ngày 2/12 đến ngày 17/12/1964; đợt 2, từ ngày 27/12/1964 đến 3/1/1965. Chiến dịch Bình Giã thắng lợi đánh dấu sự thất bại của chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Máy bay trực thăng của Mỹ-ngụy bị bắn rơi trong chiến dịch Bình Giã. (ảnh tư liệu) |
Để thực hiện mục tiêu đánh chắc thắng của chiến dịch Bình Giã, tháng 10/1964, Bộ Chỉ huy Quân sự Miền Đông đã giao ông Nguyễn Việt Hoa, Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Bà Rịa trực tiếp chỉ huy lực lượng vũ trang địa phương, gồm: Đại đội 440 (C440), Đại đội 445 (C445) cùng các đơn vị bộ đội huyện và du kích xã Ngãi Giao đột kích vào Ấp chiến lược Bình Giã, thăm dò phản ứng của địch. Mỗi lần bị quân ta tấn công, Mỹ-ngụy lại tức tốc dùng máy bay trực thăng đổ Tiểu đoàn 38 biệt động quân xuống Bình Giã để cứu viện. Những trận đánh không cân sức giữa ta và địch thường diễn ra ác liệt kéo dài cả ngày trời.
Sau 3 lần tiến công, ta đã nắm được quy luật hoạt động cũng như điểm mạnh, điểm yếu của địch, Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã hoàn chỉnh phương án tác chiến đến từng chi tiết.
Rạng sáng 2/12/1964, C445, bộ đội địa phương của tỉnh, phối hợp với Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 761, bộ đội chủ lực Miền Đông nổ súng tiến công Ấp chiến lược Bình Giã, mở màn chiến dịch. Cùng lúc quân ta pháo kích vào Chi khu Đức Thạnh nằm cạnh lộ 2 (nay là QL56, huyện Châu Đức) để khống chế hỏa lực chi viện của địch. Trận quyết chiến diễn ra ác liệt, ta và địch giành nhau từng tấc đất. Nhưng do lực lượng ta mỏng, không đủ sức đánh chiếm toàn bộ Ấp chiến lược Bình Giã nên bộ đội được lệnh rút lui.
Sáng 9/12/1964, Mỹ-ngụy tổ chức cuộc hành quân "Bình Tuy 33", dùng Chi đoàn Thiết giáp số 3 tiến theo lộ 2, từ Bà Rịa lên Đức Thạnh để giải tỏa lộ 2. Trên đường trở về, Chi đoàn Thiết giáp số 3 lọt vào trận địa phục kích của Trung đoàn 762 bộ đội chủ lực Miền. Quân ta chặn đầu, khóa đuôi, chia cắt đội hình địch. Sau 1 giờ chiến đấu quyết liệt, quân ta làm chủ hoàn toàn trận địa, tiêu diệt gọn đoàn thiết giáp của địch, phá hủy 14 xe bọc thép, diệt 107 tên địch, trong đó có 9 cố vấn Mỹ, 5 sĩ quan quân đội Sài Gòn, thu nhiều vũ khí trang bị. Trận đánh then chốt nhất trong đợt 1 của Chiến dịch Bình Giã hoàn toàn thắng lợi.
Ngày 17/12/1964, Bộ Chỉ huy Chiến dịch chủ động kết thúc đợt 1 của Chiến dịch Bình Giã. Sau khi kết thúc đợt 1, Bộ tư lệnh Miền Đông tiếp tục chỉ đạo công tác chuẩn bị cho đợt 2 tiến công Ấp chiến lược Bình Giã.
Bia tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch Bình Giã được lập trên địa bàn xã Bình Trung, huyện Châu Đức. Ảnh: ĐINH HÙNG |
Đêm 20/12/1964, cán bộ chiến sĩ Đoàn 1500 phối hợp với quân dân Xuyên Mộc tiếp nhận và vận chuyển 70 tấn vũ khí tại bến Lộc An (huyện Xuyên Mộc) từ chuyến tàu đặc biệt của miền Bắc bí mật vượt biển vào chi viện cho Chiến dịch Bình Giã.
Đợt 2 của Chiến dịch Bình Giã bắt đầu diễn ra vào đêm 27/12/1964. Bộ Tư lệnh Chiến dịch sử dụng 2 đại đội của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 761 và C445 bộ đội địa phương tiến công Ấp chiến lược Bình Giã. Rạng sáng 28, quân ta chiếm toàn bộ ấp. Tiểu đoàn 1 và C445 tiếp tục tổ chức trận địa đánh địch phản kích. Mỹ ngụy dùng máy bay trực thăng chở Tiểu đoàn 30 biệt động quân đổ bộ xuống Chi khu Đức Thạnh. Địch chia làm 3 cánh quân tiến vào Bình Giã. Cánh quân thứ nhất bị quân ta chặn đánh quyết liệt, giết và làm bị thương nhiều tên, số còn lại tháo chạy.
Ngày 3/1/1965, đợt 2 của Chiến dịch Bình Giã kết thúc thắng lợi. Sau hơn 1 tháng chiến đấu, quân và dân ta đã tiêu diệt gần 2.000 tên địch, trong đó có 60 cố vấn Mỹ, bắt sống 293 tên, phá hủy 45 xe quân sự các loại, bắn rơi 24 máy bay và làm hư hỏng nhiều chiếc khác.
Lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam, lực lượng vũ trang cách mạng đã tiêu diệt được cấp tiểu đoàn địch, trong đó có những đơn vị sừng sỏ thuộc lực lượng tổng trù bị của quân đội Sài Gòn; phá hủy hệ thống ấp chiến lược ở ven đường số 2 và đường số 15 thuộc các huyện Đất Đỏ (Bà Rịa), Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai) giải phóng hoàn toàn huyện Hoài Đức (Bình Thuận) và căn cứ Hắc Dịch, mở rộng và củng cố vùng giải phóng, nối Chiến khu Đ với căn cứ Bình Thuận.
Chiến thắng Bình Giã đã góp phần làm phá sản chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ. Thiếu tướng Nguyễn Minh Ninh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, nguyên Chính trị viên C440, đơn vị trực tiếp tham gia chiến dịch Bình Giã, đánh giá: "Chiến thắng Bình Giã có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với cách mạng miền Nam, đồng thời minh chứng cho sự đúng đắn về đường lối cách mạng của Đảng, chứng tỏ sự trưởng thành của quân đội ta về chiến thuật, chiến dịch và nghệ thuật chỉ đạo tác chiến...".
TRẦN BÌNH
(*) Bài viết có tham khảo tư liệu trong một số cuốn sách: Lịch sử Đảng bộ tỉnh BR-VT, Lịch sử Đảng bộ Miền Đông Nam Bộ, Lịch sử Tiểu đoàn 445, Lịch sử Đảng bộ quân sự tỉnh BR-VT…