.
NHỮNG TRẬN ĐÁNH LỊCH SỬ Ở BR-VT TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ

Chiến thắng Bình Ba

Cập nhật: 20:57, 19/04/2020 (GMT+7)

Tháng 1/1959, BCH Trung ương Đảng ra Nghị quyết 15, phát động phong trào Đồng Khởi trên toàn miền Nam. Thực hiện Nghị quyết của Đảng, nhân dân  BR-VT đã nhất tề nổi dậy, mở đầu là cuộc tiến công đồn bốt địch ở đồn điền cao su Bình Ba, giành quyền làm chủ trên địa bàn quan trọng ven lộ 2, tạo điều kiện để phong trào Đồng Khởi lan rộng đến các địa phương trên địa bàn tỉnh. 

Ông Nguyễn Văn Thành (SN 1954, chiến sĩ trinh sát Bình Ba) cho biết, từ tháng 3 đến tháng 5/1972, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích đồn điền cao su Bình Ba đã chặn đánh nhiều đợt chi viện của địch dọc tuyến lộ 2, khu vực Bình Ba. Ảnh: ĐINH HÙNG
Ông Nguyễn Văn Thành (SN 1954, chiến sĩ trinh sát Bình Ba) cho biết, từ tháng 3 đến tháng 5/1972, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích đồn điền cao su Bình Ba đã chặn đánh nhiều đợt chi viện của địch dọc tuyến lộ 2, khu vực Bình Ba. Ảnh: ĐINH HÙNG

Sau Hiệp định Genève, Pháp rút đi, đế quốc Mỹ đưa Ngô Đình Diệm về miền Nam, dựng nên chính quyền bù nhìn tay sai, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Chính quyền Ngô Đình Diệm tìm mọi cách phá hoại Hiệp định Genève, tiến hành chính sách tố cộng, diệt cộng, đàn áp người yêu nước và cách mạng, gấp gáp thiết lập bộ máy kềm kẹp từ trung ương đến cơ sở. 

Đồn điền cao su Bình Ba hình thành từ năm 1911, nay thuộc địa phận xã Bình Ba, huyện Châu Đức, là địa bàn quan trọng ở miền Đông, thường xuyên có hàng ngàn công nhân làm việc. Chính quyền Mỹ - ngụy đổi làng Bình Ba thành xã Bình Ba, lập ra các ấp Bình Ba Xăng, Bình Ba Làng, Đức Mỹ, Đồng Ngọc Khải, Tam Hữu, Dốc Đất Đỏ, Sông Cầu. Bộ máy tề ngụy được thiết lập từ cấp xã đến thôn ấp. Để tăng cường hệ thống kềm kẹp, Mỹ - ngụy còn dựng thêm các đồn hiến binh, bảo an, dân vệ ở khu vực trung tâm đồn điền Bình Ba. Chúng thường xuyên tổ chức các đợt tố cộng, diệt cộng, đàn áp, khủng bố cơ sở kháng chiến và quần chúng cách mạng.

Trong những năm tháng cam go ác liệt, công nhân cao su cũng như đồng bào các dân tộc ở Bình Ba luôn trung thành với với Đảng, nuôi giấu cán bộ, tạo điều kiện phát triển các cơ sở hoạt động bí mật của Đảng ngay trong lòng địch. 

Tháng 1/1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết 15, phát động phong trào Đồng Khởi, vũ trang khởi nghĩa, đập tan bộ máy ngụy quyền tay sai, đánh đuổi đế quốc Mỹ, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, giành độc lập tự do, hòa bình và thống nhất đất nước. Thực hiện đường lối của Đảng, tháng 3/1960, ông Trịnh Phong Đán, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa đã chủ trì Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng triển khai Nghị quyết 15 của Trung ương tại căn cứ suối Đá Đen, phát động phong trào Đồng Khởi trên toàn tỉnh. 

Để tạo thế bất ngờ, Tỉnh ủy giao cho ông Phạm Văn Hy, Bí thư Ban Cán sự vùng Cao su Bà Rịa, phối hợp với lực lượng vũ trang của tỉnh là Đại đội 40 (C40) do các ông Lê Minh Thịnh và Nguyễn Quốc Thanh chỉ huy, phát động quần chúng nổi dậy diệt ác phá kềm, giành quyền làm chủ ở đồn điền cao su Bình Ba vào thời điểm Hội nghị Tỉnh ủy đang diễn ra.

C40 là lực lượng vũ trang tập trung của tỉnh mới  thành lập, quân số 46 người. Tuy quân số không nhiều, nhưng cán bộ chiến sĩ C40 hầu hết là những người  trưởng thành trong đấu tranh cách mạng, được Ban Quân sự Miền cử cán bộ về huấn luyện kỹ thuật đặc công 2 tháng trước khi vào trận.   

Đêm 12/3/1960, lực lượng C40 được các cơ sở bí mật ở đồn điền cao su Bình Ba làm nội ứng đã đồng loạt tiến công đồn hiến binh, đồn bảo an và chốt dân vệ của địch ở đồn điền cao su Bình Ba. Cùng lúc ấy, quần chúng cách mạng gồm công nhân cao su và đồng bào các ấp phối hợp nổi dậy, đánh trống, gõ mõ, đốt đuốc, tràn ra bao vây trấn áp bộ máy tề ngụy.

Chỉ trong 1 đêm, toàn bộ đồn bốt và bộ máy kềm kẹp của Mỹ - ngụy ở đồn điền cao su Bình Ba bị đập tan. Quân dân Bình Ba bắt và tiêu diệt hàng trăm tên tề ngụy ác ôn, thu 8 súng, 15 lựu đạn và hàng ngàn viên đạn cùng nhiều quân trang quân dụng, bắt sống tên chỉ huy đồn hiến binh, diệt tên Xu Nuôi mật thám ác ôn khét tiếng ở Bình Ba Làng.

Công nhân kiểm tra, phân loại chất lượng mủ cao su trước khi vận chuyển về nhà máy chế biến ở Nông trường cao su Bình Ba hiện nay. Ảnh: ĐINH HÙNG
Công nhân kiểm tra, phân loại chất lượng mủ cao su trước khi vận chuyển về nhà máy chế biến ở Nông trường cao su Bình Ba hiện nay. Ảnh: ĐINH HÙNG

Sau chiến thắng Bình Ba, công nhân cao su và đồng bào các dân tộc ở các xã, như: Ngãi Giao, Xuân Sơn, Sông Cầu, Xà Bang đã tự vũ trang bằng gậy gộc, mã tấu, dao cạo mủ cao su... tiếp tục nổi dậy diệt ác, phá kềm, giành quyền làm chủ các xã, ấp. Hàng trăm nam nữ thanh niên tình nguyện thoát ly gia nhập lực lượng vũ trang tập trung, bộ đội tỉnh, bộ đội huyện và du kích xã.

Tính đến giữa năm 1961, phong trào vũ trang nổi dậy, giành quyền làm chủ trên địa bàn tỉnh đã giành thắng lợi ở nhiều xã, ấp, như: Bình Ba, Ngãi Giao, Xuân Sơn, Xà Bang, các sở cao su; giải phóng hoàn toàn căn cứ Hắc Dịch, Châu Pha (nay thuộc TX. Phú Mỹ); ấp Bắc, ấp Đông, ấp Nam xã Long Phước; ấp Đông xã Hòa Long (TP. Bà Rịa) và phần lớn các xã Hội Mỹ, Long Mỹ, Cầu Tum, Nước Ngọt, Tam Phước huyện Long Đất (nay thuộc huyện Long Điền và Đất Đỏ).

Chiến thắng Bình Ba đã mở đầu phong trào vũ trang nổi dậy, diệt ác, phá kềm, giành quyền làm chủ trên địa bàn BR-VT, tạo điều kiện để cuộc đấu tranh chống Mỹ - ngụy chuyển sang giai đoạn mới. 

TRẦN QUANG VINH

 

 

.
.
.