.

Trăm năm nghề muối Long Điền

Cập nhật: 23:17, 13/04/2020 (GMT+7)

Huyện Long Điền được thiên nhiên ưu đãi với bờ biển dài và thời tiết nắng ấm quanh năm, đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển nghề làm muối. Những hạt muối trắng rải khắp cánh đồng vào mùa thu hoạch là kết tinh của vị mặn nước biển và cả vị mặn của những giọt mồ hôi mà bao thế hệ diêm dân đời nối đời đổ xuống. 

Diêm dân xã An Ngãi, huyện Long Điền  thu hoạch muối. Ảnh: QUANG VINH
Diêm dân xã An Ngãi, huyện Long Điền thu hoạch muối. Ảnh: QUANG VINH

Đã có một thời, hạt muối mặn đã mang về “trái ngọt” khiến nhiều vùng đất có nghề làm muối truyền thống trên địa bàn huyện Long Điền như xã An Ngãi, thị trấn Long Điền trở nên sung túc hơn. Muối Long Điền có sự khác biệt so với các nơi khác nhờ độ kết tinh, độ mặn phù hợp cho việc ướp cá, sản xuất nước mắm. Muối Long Điền được tiêu thụ trên địa bàn tỉnh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Một lượng muối lớn cũng được bán cho các chủ ghe, tàu đánh bắt và chế biến hải sản. 

Theo các diêm dân Long Điền cho biết, nghề muối có từ thuở cha ông đi mở cõi vùng đất Phương Nam. Các bậc tiền nhân khi xưa đã biết làm muối bằng phương pháp truyền thống là cô đặc nước biển, hình thành vùng làm muối tại xã An Ngãi và thị trấn Long Điền ngày nay. Trải qua bao thế hệ, bao thăng trầm của lịch sử, diêm dân Long Điền vẫn giữ gìn nghề muối truyền thống của cha ông. 

Ông Nguyễn Văn Trí, diêm dân có hơn 40 năm làm muối ở xã An Ngãi chia sẻ, đặc thù nghề muối là “nắng làm, mát nghỉ” vì nắng càng to sản lượng muối thu về càng nhiều. Hễ năm nào mưa bão nhiều, nắng kém là xem như diêm dân lại thấp thỏm không yên vì đây là công việc phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết. Trái ngược với phần lớn các ngành nghề khác, nắng to, số ngày nắng dài luôn là niềm mong mỏi của bà con.

Theo ông Trần Văn Mười, diêm dân có hơn 40 gắn bó với đồng muối An Ngãi, quy trình làm muối truyền thống ở Long Điền gồm nhiều công đoạn, trong đó có những công đoạn chính như: Đắp bờ, làm ruộng, đưa nước vào ruộng cho muối kết tinh và thu hoạch muối. Niên vụ muối hàng năm bắt đầu từ tháng 9 âm lịch của năm trước đến khoảng tháng 4 âm lịch năm sau. Từ đầu tháng 9 âm lịch, diêm dân bắt tay vào vụ muối, tổ chức sửa kê đùng, đắp bờ đùng, lấy nước vào để giữ độ mặn trong ao đùng, đồng thời lên đắp bờ chung, đắp bờ bao, đắp bờ đầu. Tiếp đó, là công đoạn đắp bờ nội, đắp bờ ngăn. Đến tháng 11 âm lịch là thời điểm xổ nước vào ruộng, sửa ruộng, kéo sinh, dằn nện, phơi nền ruộng. Sau đó cho nước vào ruộng, chờ muối kết tinh và thu hoạch. 

Diêm dân xã An Ngãi, huyện Long Điền thu hoạch muối.
Diêm dân xã An Ngãi, huyện Long Điền thu hoạch muối.

Công đoạn thu hoạch muối tốn rất nhiều công sức nên các chủ ruộng thường phải thuê nhiều nhân công. Vào vụ muối, từ tờ mờ sáng bà con diêm dân đã ra ruộng bắt tay vào công việc. Số muối kết tinh được cào, gom lại thành đống lớn, để ráo nước và gánh về nền tập kết, chờ bán cho thương lái. Sau khi thu hoạch, tiếp tục đưa nước vào ruộng để làm lứa muối tiếp theo. 

Cứ như thế cho đến khoảng tháng 4 âm lịch năm sau khi trời đổ mưa là kết thúc mùa muối. Trước đây, phần lớn muối được sản xuất trực tiếp trên cánh đồng theo phương pháp truyền thống mất rất nhiều công sức.Thế nhưng hiện nay, bà con đã biết tận dụng cơ hội, sử dụng tốt kỹ thuật mới từ kỹ thuật lấy nước vào đồng ruộng cho đến kỹ thuật làm muối trải bạt thay thế cách làm thủ công truyền thống, cho ra hạt muối có giá trị kinh tế cao hơn. 

Đời nối đời, dòng nước mặn từ đại dương qua sông Cửa Lấp rồi theo kênh rạch đến với những thửa ruộng để diêm dân Long Điền làm ra hạt muối, là tinh hoa của biển và trời. Trước Tết Nguyên đán, diêm dân tất bật ra đồng tu sửa bờ, san phẳng và đầm chặt nền ruộng để bước vào vụ mới. Khi mưa giăng kín đất trời, họ rời ruộng sau chuỗi ngày “bán mặt cho muối, bán lưng cho trời” để đổi lấy miếng cơm manh áo. Ngày vào mùa, diêm dân lưng áo ướt đẫm mồ hôi cần mẫn cào muối giữa trưa nắng như đổ lửa. Dẫu vậy, từ trăm năm qua, bao người vẫn dãi nắng dầm sương làm ra những hạt muối mang hương vị mặn mòi của biển...

 THANH NGA

 
.
.
.