Tìm hiểu thêm về nguồn gốc địa danh Bà Rịa
Trong bài viết “Bà Rịa - Người có công khai hoang mở đất, lập làng” trong chuyên mục “Nơi ấy quê nhà” (số ra ngày 11/4), Báo BR-VT giới thiệu đến bạn đọc khu mộ và điện thờ bà Nguyễn Thị Rịa ở xã Tam Phước, huyện Long Điền.
Cũng trong bài viết này, chúng tôi có đề cập đến thông tin tên bà Nguyễn Thị Rịa được ghép đặt cho tên tỉnh BR-VT ngày nay. Tuy nhiên, nguồn gốc địa danh Bà Rịa có phải liên quan đến bà Nguyễn Thị Rịa hay không hiện vẫn chưa có sự thống nhất. Trên thực tế, đây chỉ là một kiến giải trong rất nhiều giả thuyết.
Báo BR-VT xin trích giới thiệu bài viết “Tìm hiểu thêm về nguồn gốc địa danh Bà Rịa” của nhà sử học Nguyễn Đình Thống, mang đến những góc nhìn, cách kiến giải khác về nguồn gốc của địa danh Bà Rịa.
Thành phố Bà Rịa về đêm. |
Bà Rịa là tên một vùng đất
Vấn đề này đã được đề cập trong nhiều công trình nghiên cứu. Sử gia Trịnh Hoài Đức (1765-1825), trong cuốn Gia Định thành thông chí viết: “Bà Rịa là ở đầu biên giới trấn Biên Hòa, là đất có danh tiếng (...). Tân Đường thư nói: Bà Lỵ ở ngay phía Đông Nam Chiêm Thành, từ Giao Châu đi ghe theo biển, trải qua các nước Xích Thố, Đan Đan rồi đến Đại địa châu Đà Mã (cũng gọi là Mã Lễ, quốc tục xỏ tai, đeo hoa, lấy một bức vải quấn ngang lưng) (...) Chữ Lợi âm là lục địa thiết âm là “lịa” vậy nghi chữ Bà Rịa tức nước Bà Lợi thuở xưa...”. (Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, tập thượng, quyển I và II, Nha Văn hóa, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, Sài Gòn 1972, tr 35-36)
Đại Nam nhất thống chí, Quốc sử quán triều Nguyễn, biên soạn trong 17 năm (1865-1882), các tác giả có quan điểm gần với Trịnh Hoài Đức: Bà Rịa là tên núi, còn gọi là núi Bà Địa: “Núi Bà Địa ở Đông Nam huyện Phước An 8 dặm, núi đá lởm chởm ngó xuống chợ Long Thạnh, có đường lớn ngang qua...”. Mục Thị điếm (chợ quán), Đại Nam nhất thống chí ghi rõ: “Chợ Hắc Lăng: ở thôn Hắc Lăng, huyện Phước An, gần đó có núi Bà Rịa, có tên là chợ Bà Rịa”.
Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (Imprimerie Rey, Couriol, Sài Gòn 1895) cũng giải thích tương tự: “Bà Rịa: tên xứ ở tại Hắc Lăng, bây giờ là tiếng kêu chung của cả hạt Phước Tuy” (Tome 2, tr 256).
Các tác giả bộ “Địa chí văn hoá thành phố Hồ Chí Minh” đồng kiến giải với Trịnh Hoài Đức.
Những tư liệu đã dẫn cho thấy, tên vùng đất Bà Rịa xuất hiện sớm nhất trong sử sách với tư cách là tên gọi một ngọn núi, một cái chợ, một xứ đất, lần đầu tiên được mang tên gọi một tỉnh là năm 1865, do thực dân Pháp đặt tên.
Bà Rịa là một địa danh
Sử sách triều Nguyễn đều ghi Bà Rịa là một địa danh. Đại Nam thực lục tiền biên (Quốc sử quán triều Nguyễn) ghi nhận địa danh Bà Rịa sớm nhất từ năm 1690: “Năm Canh Ngọ (1690), Cai cơ Nguyễn Hữu Hào đem quân đi đánh Nặc Thu, vua Chân Lạp, rồi rút từ Bích Đôi (Chân Lạp) về đóng ở Bà Rịa”.
Địa danh Bà Rịa được Lê Quý Đôn nhắc tới trong sách “Phủ biên tạp lục” qua sự kiện “Tháng 4 năm Bính Thìn (1776) chúa Nguyễn Phúc Thuần đã bỏ Phú Xuân chạy vào xứ Bà Rịa”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã dẫn tài liệu của một giáo sĩ Pháp về Các họ đạo của xứ Đồng Nai từ năm 1747 để kết luận rằng: “Tác giả Địa chí Bà Rịa 1902 đã sai lầm khi nói đất Bà Rịa mới có hơn trăm năm nay, “một bà tên là Rịa tới lập làng Phước Liễu rồi mất vào năm Gia Long thứ 2 tức 1803” (...) Sự sai lầm về “Bà Rịa mới lập làng Phước Liễu từ 1789” được đính chính mạnh nhất khi tìm thấy địa danh Bà Rịa và Đất Đỏ đã được ghi vào danh mục “các họ đạo của xứ Đồng Nai từ 1747”. Trong danh mục ấy còn ghi rõ Bà Rịa có 140 giáo dân và Đất Đỏ có 350 người theo đạo công giáo”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Linh dẫn lời ông L.Malleret, Giám đốc Trường Viễn đông Bác cổ Hà Nội: “Địa danh Bà Rịa bắt nguồn từ tên gọi Khơme của một cái bàu gần Long Điền là Bà Rày hay Bà Rey, chuyển sang âm Việt chệch đi thành Bà Rịa. Cái Bàu đó sau đã mang một cái tên Việt ngữ là Bàu Thành”. Nguyễn Linh cho rằng, ý kiến của L.Malleret đã giải quyết một cách xác đáng hướng nghiên cứu về nguồn gốc địa danh Bà Rịa từ góc độ địa danh học.
Một góc TP. Bà Rịa hôm nay. |
Bà Rịa là một tộc danh
Một trong những hướng nghiên cứu đáng chú ý là địa danh Bà Rịa có nguồn gốc từ một bộ tộc. Cụ Vương Hồng Sển viết trong cuốn Tự vị tiếng Việt miền Nam (1993) như sau: “... không rõ bà gốc Chàm, thổ dân sơn cước hay Cơ Me. Duy biết chắc Thổ gọi Iéay Ria (đọc là “Vây Ria”). Vây là mụ, là bà lão; Ria là tên tộc. Tương truyền bà là tiền hiền có công khai thác”. Trong truyền thuyết, thường là có một phần nào sự thật, được cải biên khi truyền miệng. Truyền thuyết sẽ đọng lại trong một chừng mực hợp lý, tương đối phù hợp với những kiến giải đương thời. Nếu lấy mốc cuốn sách xuất bản sớm nhất có viết về nhân vật bà Rịa là cuốn Địa chí tỉnh Bà Rịa và Thành phố Cap Saint-Jacques, in năm 1902 thì có thể tạm coi là truyền thuyết về bà Rịa xuất hiện trước đó, hoặc cùng thời với bối cảnh thực dân Pháp xâm lược và đặt chế độ cai trị vùng đất này. Song, theo như truyền thuyết được chép lại thì Bà Rịa cũng chưa thuộc lớp người đầu tiên tới khai phá vùng đất Mô Xoài.
NGUYỄN ĐÌNH THỐNG