Di chỉ khảo cổ Long Sơn - Những chiếc mặt nạ vàng thời tiền sử
Nhiều đợt khảo sát, khai quật trước đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều hiện vật quan trọng tại khu vực Giồng Lớn (Long Sơn), trong đó có 3 chiếc mặt nạ bằng vàng thời tiền sử.
Chiếc mặt nạ vàng được tìm thấy trong các cuộc khai quật khảo cổ tại Long Sơn. |
Giồng Lớn là di chỉ mộ táng, tọa lạc trên một giồng cát ven biển, dài 1km theo hướng Đông - Tây với bề rộng khoảng 100m, thuộc xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu. Tại đây, qua hai đợt khai quật khảo cổ năm 2003 và 2005, đã phát hiện 2000 hiện vật: đồ gốm, đồ đá, đồ sắt, đặc biệt là có rất nhiều đồ trang sức thủy tinh, đá nê-phrít, mã não, hồng ngọc và vàng. Nổi bật nhất trong số đó là 3 chiếc mặt nạ bằng vàng thời tiền sử. Chiếc mặt nạ vàng thứ nhất hình chữ nhật (15x3cm), chạm nổi đôi mắt hình lá răm, đôi lông mày nhuyễn cong và sống mũi cao. Chiếc thứ hai (15x6cm), chạm nổi với đôi mắt mở lớn, đôi lông mày xuôi và sống mũi cao. Chiếc thứ ba (15x8cm), chạm nổi hình đôi mắt mở lớn, đôi lông mày rậm giao nhau, mũi to, sống mũi nổi cao và có đôi môi khá dày. Có ý kiến cho rằng những họa tiết các mặt nạ thể hiện đặc trưng của nhóm nhân chủng Polynesien. Ngoài rìa của các hiện vật đều có lỗ để buộc dây. Theo các nhà khảo cổ, nhiều khả năng, những chiếc mặt nạ này được đặt trên mặt người chết, trước khi mai táng. Trong những ngôi mộ ở Indonesia và Philippines từ thiên niên kỷ thứ nhất Công nguyên (A.D.) các nhà khảo cổ học cũng đã phát hiện những tấm lá vàng phủ lên mắt, mũi và miệng của người quá cố. Tương tự như cư dân cổ Đông Nam Á, theo nghi thức tang lễ cổ truyền của dân tộc Việt, bà con ta thường dùng một mảnh vải hay một tờ giấy bản để phủ lên mặt người chết.
Ông Trần Văn Triêm, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết, những chiếc mặt nạ vàng tìm thấy trong các cuộc khai quật khảo cổ ở Long Sơn thực sự là những hiện vật đặc sắc góp phần làm phong phú thêm cho sưu tập cổ vật bằng vàng thời kỳ tiền Óc Eo và Óc Eo trên vùng đất phương Nam.
Việc phát hiện được các hiện vật cổ ở Long Sơn trong đó có các mặt nạ vàng đã chứng minh rằng, từ hàng ngàn năm trước, tổ tiên chúng ta đã khai đất, cư trú tại đây. Đây là khu vực quan trọng trong quá trình khai thiên, lập địa của nước ta. Vì vậy, các di chỉ, hiện vật từ các đợt khảo cổ ở Long Sơn để lưu giữ, bảo quản, trưng bày, quảng bá rộng rãi đến người dân và du khách những giá trị văn hóa, lịch sử để du khách biết đến.
Bài, ảnh: MINH TÂM