.

Hát bả trạo trong đời sống cư dân miền biển - Kỳ 1: Lời cầu an của ngư dân

Cập nhật: 19:51, 26/11/2019 (GMT+7)

Chèo bả trạo hay hò đưa linh, hò hầu linh là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian thể hiện rõ nét đời sống tinh thần của cư dân ven biển Bà Rịa-Vũng Tàu. Hát bả trạo thường được tổ chức trong các buổi cúng tế tại lễ hội Nghinh Ông, lễ hội Dinh Cô-Long Hải, khi tổ chức an táng Cá Ông, lễ hội cầu mùa… Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 đội hát bả trạo ở TT.Long Hải, huyện Long Điền và TT. Phước Hải, huyện Đất Đỏ.

Diễn xướng nghệ thuật hát bả trạo của Đội chèo bả trạo Dinh Cô (TT. Long Hải, huyện Long Điền) tại Lễ hội Dinh Cô – Long Hải năm 2019.
Diễn xướng nghệ thuật hát bả trạo của Đội chèo bả trạo Dinh Cô (TT. Long Hải, huyện Long Điền) tại Lễ hội Dinh Cô – Long Hải năm 2019.

Ông Thái Văn Cảnh (Tư Cảnh, 73 tuổi), Trưởng Ban quản lý Khu di tích Dinh Cô (TT.Long Hải, huyện Long Điền) cho biết, nghệ thuật hát bả trạo bắt nguồn từ miền Trung, được “du nhập” vào vùng đất Bà Rịa-Vũng Tàu từ thập niên 50-60. Theo ông Tư Cảnh, “bả” là nắm chắc, “trạo” là mái chèo, tức là luôn vững vàng nắm chắc mái chèo khi đánh bắt cá giữa biển khơi của cư dân miền biển.

Hát bả trạo từ một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian đã trở thành một nghi thức tâm linh trong lễ hội. Hát bả trạo gắn liền với tín ngưỡng thờ cá Ông (thần Nam Hải) của người dân các làng chài ven biển Bà Rịa-Vũng Tàu. Nội dung hát bả trạo ca ngợi công đức của cá Ông cứu người, cầu mong cho sự bình yên, thịnh vượng, bày tỏ lòng tôn kính đối với thần Nam Hải và các bậc tiền nhân.

Theo ông Tư Cảnh, đội hát bả trạo mô phỏng công việc thường ngày của ngư dân trên thuyền khi ra khơi đánh cá với các động tác như: kéo lưới, thả lưới, chèo thuyền, câu cá, gõ nhịp lùa cá... Ở đó, có nét thong dong khi trời yên biển lặng, có những nỗi vất vả, cực nhọc khi đối mặt với sóng to gió lớn, có niềm hân hoan khi cá tôm đầy khoang, nhưng cũng có nỗi ưu tư khi chuyến biển không như mong đợi.

Một đội hát bả trạo thường có: Tổng  Mũi, Tổng  Lái, Tổng Khoang và khoảng 10 đến 14 con trạo (người cầm mái chèo), tùy theo quy mô tổ chức, nhưng phải luôn là số chẵn. Ông Tổng Mũi (tổng tiền) là người hát chính, mặc trang phục gần giống với diễn viên hát tuồng, trình diễn các động tác quan sát trời, trăng, mây, nước, núi… như tư thế của người thuyền trưởng. Tổng Khoang (hay tổng thương) thể hiện các động tác của người lo việc hậu cần trên thuyền như: Tát nước, nấu cơm, muối cá… có trang phục sặc sỡ, tay cầm cần câu và gàu tát nước, thường hát những câu hài hước, dí dỏm. Tổng Lái đứng hàng giữa cuối cùng, tay cầm dầm chèo như các con trạo...

Diễn xướng nghệ thuật hát bả trạo của Đội chèo bả trạo Dinh Cô  (TT. Long Hải, huyện Long Điền) tại Lễ hội Dinh Cô – Long Hải năm 2019.
Diễn xướng nghệ thuật hát bả trạo của Đội chèo bả trạo Dinh Cô (TT. Long Hải, huyện Long Điền) tại Lễ hội Dinh Cô – Long Hải năm 2019.

Nội dung bài hát bả trạo thường được kết cấu 4 chương, gồm ra khơi, đánh bắt, bão tố và khải hoàn. Khi biểu diễn, đội hát bả trạo vừa hát hò, vừa làm các động tác như chèo thuyền, tát nước nên gọi là diễn xướng. Nghệ thuật trình diễn và hát bả trạo là sự phối hợp nhịp nhàng giữa âm nhạc, lời ca và động tác trình diễn của Tổng Mũi, Tổng Khoang và Tổng Lái cùng đám bạn chèo dưới sự điều khiển thống nhất của Tổng Mũi. “Giọng điệu hát bả trạo phải thể hiện được cái chất “ăn sóng nói gió”, sự chất phác của những người quanh năm gắn với biển cả. Đây cũng chính là lời cầu an trên biển của ngư dân miền biển trong các dịp lễ hội”, ông Thái Văn Cảnh nhấn mạnh.

Anh Nguyễn Thái Bạch (ngụ TT.Long Hải, huyện Long Điền) cho biết, anh tham gia tập hát bả trạo đã 13 năm khi còn là bạn ghe đi biển. Ban đầu khi mới tham gia vào đội hát bả trạo, anh Bạch chỉ được đóng vai con trạo, nhịp theo những lời ca của Tổng Lái. “Hiện tôi là công nhân làm việc tại TP.Vũng Tàu, không còn đi biển, nhưng tôi vẫn sinh hoạt cùng đội chèo hát bả trạo Dinh Cô vì niềm đam mê, xem đây là sự đóng góp của mình để cầu an cho những người thân đi biển luôn được an lành”, anh Bạch chia sẻ.

(còn tiếp)

Bài, ảnh: TRÚC GIANG-NGỌC BÍCH

.
.
.