Lễ hội đền thờ tiên sư TP.Vũng Tàu: Đề cao truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt
Tiên Sư là bậc tiền nhân đã có công truyền dạy nghề nghiệp cho hậu thế. Thờ cúng Tiên Sư là truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo của người dân Việt từ bao đời nay. Trên địa bàn tỉnh BR-VT, có 1 đền thờ Tiên Sư tại phường 4, TP.Vũng Tàu. Hàng năm, nơi đây diễn ra các lễ hội nhằm ghi nhớ công đức người xưa.
Nghi thức lễ trong lễ hội Đền thờ Tiên Sư (phường 4, TP.Vũng Tàu). Ảnh: N.T |
Đền thờ Tiên Sư TP.Vũng Tàu được xây dựng từ nửa thế kỷ XIX. Đền được xây theo ý tưởng Miếu Tiên Sư ở TP.Bạc Liêu (Tiên Sư Cổ Miếu) ra đời cách đây gần 200 năm. Sau nhiều lần trùng tu, sửa chữa, Đền thờ Tiên Sư TP.Vũng Tàu được thiết kế theo phong cách đền miếu truyền thống, có cửa tam quan, chạm khắc hình rồng, phượng tinh xảo, hoành tráng. Hiện nay, Đền thờ Tiên Sư TP.Vũng Tàu tọa lạc tại số 96 Cô Giang, phường 4, TP.Vũng Tàu.
Lễ hội Đền thờ Tiên Sư mỗi năm được tổ chức 3 lần, nhưng lớn nhất diễn ra vào 3 ngày 16, 17 và 18 tháng 2 Âm lịch. Lễ hội được tổ chức theo một hệ thống nghi lễ chặt chẽ. Trước bàn thờ tiên thánh bày 1 hương án bài trí đẹp đẽ, trang nghiêm. Phẩm vật bên trên là các thức chay, phía bên dưới là thức mặn. Trước hương án trải 3 chiếu tế, chiếu thứ nhất là chiếu Chánh bái, chiếu thứ hai là chiếu Đông hiến, chiếu thứ ba là chiếu Tây hiến.
Lễ hội diễn ra phần quan trọng nhất là nghi lễ. Những người dự lễ phải được lựa chọn kỹ, thường là người trong một nhà, người am hiểu văn hóa truyền thống, người có đức độ, uy tín trong cộng đồng. Vai chính trong nghi lễ là Chánh bái, giữ trọng trách trong việc lễ tiên thánh. Đứng dưới là Bồi bái, hành lễ theo Chánh bái. Trong đội ngũ dự lễ còn có Đông hiến, Tây hiến, Nội tán, Chấp sự đứng xung quanh dẫn xướng để Chánh bái ra, vào hoặc dâng hương, dâng rượu... Khi vào dự lễ, tất cả các người nêu trên đều phải đội mũ chầu, mặc áo thụng, đi hia, hành lễ theo điệu bộ nghi thức truyền thống.
Nghi lễ chính của Đền thờ Tiên Sư là giỗ Tổ sư, chia làm 2 phần. Phần 1 gồm các nghi thức: Nghê hương kỷ tiền; Tuần sơ hiến lễ tổ sư vi tiên; Hành văn hiến lễ tổ sư vi tiên; Tuần á hiến lễ tổ sư vi tiên; Tuần trung hiến lễ tổ sư vi tiên. Phần 2 gồm các nghi lễ: Tuần trà hiến lễ tổ sư vi tiên; Nghê phần phước sở; Nghê phần chúc sở. Trong suốt thời gian diễn ra các nghi lễ đều có bái dâng hương, dâng rượu, dâng trà; ban nhạc lễ, trống, chiêng hòa nhịp theo các nghi thức.
Trong các ngày lễ hội ở Đền thờ Tiên Sư tại TP.Vũng Tàu thu hút hàng ngàn người dân thành phố và các địa phương khác tham gia. Ngoài phần nghi lễ, còn có nhiều hoạt động múa hát, diễn tuồng cải lương tạo thêm phần không khí sôi nổi, hào hứng cho người tham dự lễ hội.
Theo ông Trương Thái Hòa, Hội trưởng Hội Đền thờ Tiên Sư phường 4, TP.Vũng Tàu cho biết, đây là ngôi đền thờ Tổ sư của tất cả các ngành nghề, đồng thời là ngôi đền duy nhất ở tỉnh BR-VT thờ cúng các vị Tiên Sư. Ban Trị sự Đền thờ Tiên Sư chủ trương mở rộng mục tiêu hoạt động của hội đền hướng tới những giá trị nhân văn. Theo đó, ngoài việc thờ cúng, lễ các vị cao nhân tiền bối, Đền thờ Tiên Sư còn chú trọng các hoạt động từ thiện trợ giúp những người nghèo trong và ngoài tỉnh. Gần đây, trong dịp lễ Vu Lan tháng 7 Âm lịch vừa qua, Đền thờ Tiên Sư đã huy động 3,5 tấn gạo trợ giúp các hộ nghèo của thành phố.
Thờ cúng Tiên Sư là cách thức suy tôn các bậc tiền nhân, những người có công dạy dỗ, truyền bá nghề nghiệp cho đời sau. Ở rất nhiều vùng quê trong cả nước vẫn còn lưu giữ tập tục thờ cúng các bậc Tiên Sư hoặc Thánh Sư, những ông tổ nghề đức cao vọng cả. Đó cũng là truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam được gìn giữ, lưu truyền đến ngày nay.
TRẦN VINH