Hát bả trạo trong đời sống cư dân miền biển - Kỳ 2: Gìn giữ và lưu truyền cho mai sau
Hát bả trạo từ một loại hình sinh hoạt diễn xướng trong lao động đánh bắt hải sản lâu đời của ngư dân, đã dần trở thành một nghệ thuật tâm linh, nghi thức không thể thiếu trong các lễ hội của cư dân vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu. Nghệ thuật này đã lưu truyền qua bao thế hệ, cần được giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo này.
Diễn xướng nghệ thuật hát bả trạo của Đội chèo bả trạo Dinh Cô (TT. Long Hải, huyện Long Điền) tại Lễ hội Dinh Cô-Long Hải năm 2019. |
Ở TT.Long Hải (huyện Long Điền), hát bả trạo thường được biểu diễn trong 3 dịp: ngày 12/2 Âm lịch cúng Mộ Cô trong Lễ hội Dinh Cô; ngày 23/4 Âm lịch cúng Bà Lớn ở Miếu Bà Lớn; ngày 23/6 Âm lịch cúng linh ông Nam Hải ở Đình Long Hải. Ngoài ra, hát bả trạo còn được biểu diễn ở Lễ hội Nghinh Ông Vũng Tàu, diễn ra từ ngày 15/8 - 18/8 Âm lịch hàng năm. Đây là các dịp để cư dân ven biển bảo lưu yếu tố văn hóa cội nguồn của con người miền biển.
Ông Nguyễn Văn Lĩnh (60 tuổi), Tổ trưởng Đội chèo bả trạo Dinh Cô - Long Hải cho biết, cũng vì mê cái âm điệu, lời hát, ý nghĩa trong từng câu chữ của hát bả trạo mà mấy chục năm qua ông luôn gắn bó với nghệ thuật dân gian này. Ngay từ nhỏ, ông Lĩnh đã được cha truyền cho các bài hát và nghệ thuật diễn xướng bả trạo. Thời còn trẻ, những ngày không đi biển, ông Lĩnh thường tụ tập các anh em lại, truyền tụng cho nhau cách hát bả trạo. Từ đó, đam mê với loại hình diễn xướng này từ khi nào không biết. Hiện Đội chèo bả trạo Dinh Cô – Long Hải có 16 thành viên, là những người dân lao động hàng ngày phải mưu sinh, kiếm sống nhiều nghề như đi biển, làm công nhân, thợ phụ hồ... thường chỉ gặp nhau trong các dịp lễ hội. Những người hát bả trạo đều là “nghệ sĩ” nghiệp dư, phần lớn được lựa chọn từ những người đi biển, có giọng hát tốt, có sức khỏe.
Anh Nguyễn Văn Tuấn - thành viên Đội chèo bả trạo Dinh Cô-Long Hải cho biết, tuy mới 24 tuổi, nhưng anh đã có 7 năm tham gia hát bả trạo. Lúc đầu, khi mới tham gia anh Tuấn cảm thấy hát bả trạo không dễ chút nào với những người trẻ như anh, do lối hát được xướng theo kiểu hát tuồng, hát bội. “Nhưng càng tham gia, tôi càng cảm thấy yêu thích loại hình sinh hoạt văn hóa này và tự hào là người trẻ tuổi được tham gia giữ gìn và lưu truyền nghệ thuật hát bả trạo của người dân miền biển”, anh Tuấn bày tỏ.
Sau mấy chục năm gắn bó với những câu hát, điệu bộ cầu an trên biển, ông Nguyễn Văn Lĩnh thấm thía những vui buồn, sự thiêng liêng của câu hát bả trạo gắn với nhịp chèo người đi biển. Trước đây, Tổ làng chèo hát bả trạo ở Dinh Cô lúc nào cũng đông thành viên, nhưng ngày nay số lượng người tham gia ngày càng ít dần, nhất là những người hát chính như Tổng Mũi, Tổng Khoang, Tổng Lái. Do hát bả trạo đòi hỏi người theo đuổi phải tâm huyết, khổ công luyện tập, thuộc lòng nhuần nhuyễn ca từ, điệu múa và giai điệu của cả bài hát, nhưng lại không phải là nghề mưu sinh của người nghệ sĩ nên rất kén người đam mê, theo đuổi.
Hiện ông Nguyễn Văn Lĩnh luôn trăn trở làm thế nào để “giữ lửa” nghệ thuật hát bả trạo. Ông Lĩnh thuộc thế hệ đời thứ tư tại Đội chèo bả trạo Dinh Cô-Long Hải. Do tuổi tác đã cao, nên hiện ông Lĩnh chỉ đảm nhiệm công tác phân bố đội hình, nội dung bài hát bả trạo và các nghi thức biểu diễn bả trạo tại các lễ hội ở Long Hải. “Các bậc tiền bối trước truyền lại cho mình nghệ thuật hát bả trạo để phục vụ trong các buổi lễ cúng Mộ Cô và linh ông Nam Hải. Vì vậy, nhiệm vụ của tôi là phải truyền lại nghệ thuật hát bả trạo cho thế hệ sau để lưu truyền nét văn hóa truyền thống của người dân vùng biển”, ông Lĩnh chia sẻ.
Trải qua hơn nửa thế kỷ “du nhập” từ các tỉnh miền Trung vào vùng đất Bà Rịa-Vũng Tàu, nghệ thuật hát bả trạo không chỉ được biểu diễn trong các lễ hội của người dân làng biển, mà từ Tết Nguyên đán năm 2018, tại chương trình nghệ thuật Khai hội văn hóa - Du lịch tỉnh, trích đoạn hát bả trạo của Đội chèo bả trạo Dinh Cô đã được biểu diễn trên sân khấu và được sự đón nhận nhiệt tình của khán giả. Đây là tín hiệu vui, góp phần khơi thêm “ngọn lửa” nghệ thuật hát bả trạo, để loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này được lưu truyền mãi cho các thế hệ mai sau.
Bài, ảnh: TRÚC GIANG-NGỌC BÍCH