.

DẤU ẤN LỊCH SỬ TRONG NGÔI NHÀ NHỎ DƯỚI CHÂN NÚI LỚN

Cập nhật: 18:26, 23/08/2019 (GMT+7)
Kỳ 2: Vững vàng giữa vòng vây quân thù
 
Năm 1967 đế quốc Mỹ xây dựng 2 giàn anten parabol viba trên đỉnh Hòn Sụp, Núi Lớn. Tại phường Thắng Nhì, địch xây dựng tập trung nhiều trường huấn luyện và căn cứ quân sự, xưởng sửa chữa pháo, Đồn Ngã tư giếng nước, Trại Lính dù, Trại Thủy quân lục chiến, Trường Thiếu sinh quân, Trường Truyền tin… Trong các ấp luôn có cảnh sát, tình báo, mật vụ, an ninh, tề ấp luôn kiểm soát chặt chẽ tình hình. Mặc dù kẻ thù bao vây xung quanh nhưng ngay giữa sào huyện của địch vẫn tồn tại một căn hầm bí mật của gia đình má Tám Nhung đã nuôi giấu tuyệt đối an toàn cho cán bộ cách mạng hoạt động từ năm 1968 đến ngày thống nhất nước nhà.
 
Tượng tái hiện một đồng chí cách mạng chuẩn bị vào hầm bí mật tại nhà má Tám Nhung.
Tượng tái hiện một đồng chí cách mạng chuẩn bị vào hầm bí mật tại nhà má Tám Nhung.
 
Vào năm 1967 địch ráo riết lập nhiều đồn bót, kiểm soát gắt gao, nhiều cơ sở cách mạng bí mật tại Vũng Tàu phải chuyển sâu vào Rừng Sác (xã Long Sơn)… Để có cán bộ lãnh đạo ở sâu trong lòng địch kịp thời chỉ đạo phong trào và nắm bắt tình hình, chuẩn bị Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), Tỉnh ủy Bà Rịa - Long Khánh quyết định đưa cán bộ vào Vũng Tàu hoạt động bí mật. Nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho anh em, má Tám (tên thật là Hồ Thị Khuyên) nghĩ ra cách trú ẩn độc đáo bằng cách xây một căn hầm bí mật trong nhà của mình. Người trực tiếp xây dựng căn hầm là đồng chí Sáu Thép, một cơ sở bí mật của cách mạng tại Vũng Tàu. Hầm được xây vào năm 1969 dưới hình thức là bể chứa nước dài 2m, rộng 1,8m, gồm 2 phần một nửa làm hầm không chứa nước, nửa còn lại là bể nước mưa có máng xối. Nắp hầm rộng 40cm, dài 80cm, trên ngụy trang bằng dụng cụ của gia đình để lên trên, khi có động chỉ cần đẩy bức vách bước xuống hầm rồi đóng kín bên ngoài, có tủ gỗ nhỏ đựng chén đĩa để ngụy trang, kề vách là buồng ngủ, bên cạnh chiếc giường cá nhân đặt trước cửa hầm. Đây là cơ sở bí mật an toàn cho các đồng chí trong Thị ủy Vũng Tàu hoạt động từ 1969 cho đến ngày thị xã Vũng Tàu hoàn toàn giải phóng 30/4/1975, tiêu biểu một số đồng chí: Võ Thị Dậu, Bí thư Thị ủy Vũng Tàu; Trần Văn Khánh (Ba Khánh), Phó Bí thư Thị ủy Vũng Tàu; Ngô Thị Bảy (Bảy Bê). 

Trong thời gian đồng chí Ngô Thị Bảy bám trụ tại gia đình má Hồ Thị Khuyên, đồng chí đã phát triển được 1 chi bộ, 1 chi đoàn, 14 cốt cán, xây dựng thêm căn hầm bí mật tại nhà bà Năm Mụ ở đường Trương Công Định phường Thắng Tam, thị xã Vũng Tàu… Thời gian này chị Bảy Bê bị đau gan má Tám đã ủng hộ 20 ngàn đồng cho chị đi chữa bệnh… 

Để tạo nên sức hấp dẫn, trực quan của di tích, hiện nay trong nội thất của ngôi nhà bài trí thêm 2 nhóm tượng thể hiện cuộc đối đáp của má Tám Nhung với 2 tên cảnh sát Việt Nam cộng hòa và tượng một đồng chí cách mạng chuẩn bị vào hầm bí mật khi bên ngoài có sự tra hỏi, lục soát của địch. Tương phản với sự hung hãn táo tợn của kẻ thù, ông bà Tám Nhung ngồi yên lặng với thái độ ung dung, điềm tĩnh. Má Tám trong trang phục quần đen, áo bà ba màu nâu, tóc trắng… hai tay ngoáy trầu nhưng đôi mắt ánh lên đầy tự tin sẵn sàng đối đáp, gìm chân kẻ thù, tạo điều kiện cho các đồng chí bên trong hầm bí mật được an toàn…

Di tích lịch sử cách mạng ngôi nhà và căn hầm bí mật của má Tám Nhung tại đường Trần Xuân Độ (phường Thắng Nhì, TP.Vũng Tàu) tiêu biểu, điển hình cho mưu trí của bà má Việt Nam trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta. Má Tám Nhung là điển hình của người mẹ Việt Nam chân thật, giản dị, bao dung, nhân hậu mà vô cùng trung kiên, bất khuất… đã có nhiều công lao đóng góp trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945 và suốt hai cuộc hai kháng chiến chống Pháp và Mỹ, sự cống hiến hy sinh to lớn của gia đình má Tám đã góp phần trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

NGỌC TRÂN

 
.
.
.