Võ Thị Sáu - Biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng- Kỳ 1: Tuổi thơ và con đường đến với cách mạng của Võ Thị Sáu
Võ Thị Sáu sinh năm 1933, tại thôn Phước Lợi, xã Long Mỹ, quận Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa (nay là xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thân sinh là ông Võ Văn Hợi, bà Nguyễn Thị Đậu, chị là người con thứ 5 trong gia đình có 6 anh chị em.
Nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu. Ảnh: TƯ LIỆU |
Vào đầu thế kỷ XX ở khu vực gần chợ Đất Đỏ (vị trí kề sát Tỉnh lộ 55, thuộc khu phố Tường Thành, TT.Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ ngày nay) dân làng thôn Phước Thọ, tổng Phước Thọ Hạ, quận Đất Đỏ (lúc ấy trực thuộc tỉnh Phước Tuy) xây một dãy phố chợ, gồm 8 gian để cho các gia đình từ nơi khác đến thuê. Khi chị Sáu lên 6 tuổi, gia đình chuyển từ thôn Phước Lợi thuê gian nhà thứ 4 để ở và thuận lợi cho việc làm ăn sinh sống. Thời gian này ông Võ Văn Hợi làm nghề đánh xe ngựa từ Đất Đỏ đi các tuyến Long Điền, Phước Hải, còn bà Nguyễn Thị Đậu làm nghề bán bún bì, chả giò.
Mỗi gian nhà nơi gia đình chị Võ Thị Sáu thuê ở có lối kiến trúc truyền thống làng quê Việt Nam, xung quanh thưng ván gỗ, mái lợp ngói âm dương. Căn nhà dài 10m, rộng 3m, nền đất, bố trí thành 2 phòng. Phòng ngoài dài 5m, kê 1 bộ ván ngựa là nơi chị Sáu cùng các em nằm ngủ, phía giữa là nơi đặt tủ thờ trang trọng. Phòng trong dài 4m rộng 3m, sử dụng làm nơi nằm nghỉ của song thân. Nối giữa 2 phòng là hành lang rộng 1m. Căn nhà đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử, nơi ghi dấu biết bao kỷ niệm về thời niên thiếu và những ngày đến với cách mạng của chị.
Hiện nay UBND huyện Đất Đỏ đã phục dựng một ngôi nhà gỗ gồm 3 gian, 2 chái, mái lợp ngói âm dương trên nền của dãy chợ phố trước đây, mô phỏng lại nơi sinh sống của gia đình chị Võ Thị Sáu. Trong phòng truyền thống Nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu còn trưng bày một số kỷ vật gắn liền với gia đình thời niên thiếu của chị. Trong đó có nồi đồng gia đình dùng nấu cơm, chén đĩa dùng ăn cơm hàng ngày, những tờ giấy bạc Đông Dương do bà Võ Thị Bảy - em gái ruột của chị Võ Thị Sáu tặng khi còn sống, những tờ tiền này gia đình đã sử dụng và giữ lại làm kỷ niệm…
Khi lớn lên chị thường giúp đỡ cha mẹ làm công việc như cắt cỏ cho ngựa ăn, phụ giúp mẹ nhóm lửa vào mỗi sáng. Sau khi cuộc kháng chiến bùng nổ ở Nam Bộ. Đặc biệt, ngày 23/11/1945, thực dân Pháp tái chiếm Bà Rịa. Tại Đất Đỏ địch tăng cường áp lực uy hiếp vùng giải phóng và căn cứ kháng chiến. Chúng uy hiếp mạnh các xã Long Tân, Hội Mỹ, Long Mỹ là những vùng giải phóng của ta. Tại Đất Đỏ địch đóng thêm đồn bốt ở Chợ Bến, An Ngãi, Phước Lợi, Bờ Đập… Quân Pháp từng bước hình thành vành đai Phước Hải, Hội Mỹ, Long Tân, Long Phước nhằm ngăn giữa hậu phương với căn cứ địa Xuyên - Phước Cơ của tỉnh đóng tại huyện Xuyên Mộc và vùng tạm chiếm. Theo chân Pháp bọn hội tề, Việt gian, chỉ điểm địa phương thừa cơ thường xuyên gây tác oai tác quái làm cho đời sống của bà con ở khu vực này càng cơ cực.
Mặc dù tuổi còn nhỏ nhưng Võ Thị Sáu luôn bất bình và căm giận trước sự o ép, cướp giật của bọn ác ôn, tay sai. Có lần ông Võ Văn Hợi đã cho Võ Thị Sáu đi cùng trong chuyến tiếp tế ở căn cứ Long Mỹ, tiện thể thăm các con trai tức anh Hai và anh Năm (Võ Văn Me) thoát ly theo cách mạng. Được gặp lại các anh sống giữa tình đồng đội trong căn cứ, Sáu rất cảm phục các anh. Chuyến đi để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với bé Sáu, trong tâm khảm nung nấu một ngày nào cũng được công tác như các anh, các chị… Vào năm 1946, Võ Thị Sáu theo anh trai Võ Văn Me vào căn cứ tham gia cách mạng, Sáu được tham gia lớp Thiếu sinh quân khóa I do tỉnh tổ chức ở căn cứ Long Mỹ. Năm 1947, khi 14 tuổi, Võ Thị Sáu chính thức gia nhập Đội Công an xung phong của quận Đất Đỏ, do Mai Văn Láng làm đội trưởng. Trong đội Sáu là người nhỏ tuổi nhất nhưng lại nổi bật là chiến sĩ quả cảm, thông thạo địa bàn.
Từ đây Sáu như chim sổ lồng bay giữa khoảng trời bao la, như dòng sông nhỏ được ra gặp biển lớn - cách mạng, thỏa sức đam mê cống hiến cho sự nghiệp giải phóng quê hương thoát khỏi sự xâm lược của thực dân Pháp và tay sai, mang lại hạnh phúc bình an cho nhân dân.
PHƯƠNG NGUYÊN
(Xem tiếp kỳ sau)