.

Dấu ấn lịch sử trong ngôi nhà nhỏ dưới chân Núi Lớn -Kỳ 1: Cuộc họp bí mật chuẩn bị cho sự kiện "long trời lở đất"

Cập nhật: 21:09, 22/08/2019 (GMT+7)
Nhà má Tám Nhung (42/11, Trần Phú, nay là 01, Trần Xuân Độ, phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu) nằm dưới chân Núi Lớn. Tại đây, vào đêm 25/8/1945 là nơi họp của Ủy ban Mặt trận Việt Minh ra quyết định thành lập Ban khởi nghĩa Vũng Tàu. Trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ nơi đây là cơ sở bí mật nuôi giấu các cán bộ hoạt động nội ô của Thị ủy Vũng Tàu.

 

Tranh sơn dầu Cuộc họp bí mật vào đêm 25/8/1945 tại nhà má Tám Nhung.
Tranh sơn dầu Cuộc họp bí mật vào đêm 25/8/1945 tại nhà má Tám Nhung.

Ông Huỳnh Văn Nhung (SN 1900, quê ở Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), là người có tinh thần yêu nước, căm thù thực dân Pháp. Tháng 11/1940, ông tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại ông bị thực dân Pháp bắt giam. Chúng tra tấn dã man nhưng không làm ông gục ngã. Không khai thác được thông tin gì từ người chiến sĩ cách mạng kiên trung, cai ngục đánh đập ông đến mức tàn phế, sau đó lưu đày biệt xứ… Khoảng năm 1941-1942, sau khi được trả tự do, ông Huỳnh Văn Nhung chuyển từ Mỹ Tho, Tiền Giang đến Vũng Tàu sinh sống. Bà Hồ Thị Khuyên (còn có bí danh Phạm Thị Tư, SN 1905, tại Gò Công, Tiền Giang). Khoảng năm 1940-1941, bà Hồ Thị Khuyên và ông Huỳnh Văn Nhung kết hôn. Từ đây mọi người trong xóm thường gọi bà với tên thân mật là má Tám Nhung (gọi theo tên chồng).

Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ TP. Vũng Tàu (1930-2000) có đoạn viết: Đêm 25/8/1945, tại nhà ông bà Huỳnh Văn Nhung - Hồ Thị Khuyên, dưới chân Núi Lớn, Ủy Ban khởi nghĩa tỉnh Vũng Tàu (Cap Saint Jaques) đã được thành lập và quyết định xây dựng đội cảm tử quân cách mạng, chuẩn bị phát động toàn dân nổi dậy giành chính quyền ngày 28/8/1945”. Mặc dù căn nhà của má Tám Nhung nằm kề đồn bót và căn cứ quân sự của địch, nhưng ở đây sát Núi Lớn và sông Bến Đình nên cán bộ của ta có thể rút ra ngoài an toàn. Do vậy, Ban Khởi nghĩa đã chọn địa điểm này để hội họp.

Hiện nay ngôi nhà được phục dựng theo nguyên gốc (trước đây là ngôi nhà 3 gian, mái lợp tôn, ván thưng bằng gỗ) trên vị trí ban đầu theo kiểu kiến trúc dân gian tiêu biểu người Việt, khoảng đầu thế kỷ XX, gồm 3 gian nhà chính và 2 gian nhà phụ, cột, vì kèo, vách thưng bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương, nền lát gạch đỏ, chân cột kê đá tảng. Trong ngôi nhà vẫn giữ được nhiều hiện vật nguyên gốc sinh thời gia đình má Tám Nhung thường dùng: Bộ bàn ghế tiếp khách, 2 bộ ván ngựa, tủ quần áo. Đặc biệt trong nhà dưới có trưng bày bức tranh sơn dầu Cuộc họp bí mật vào đêm 25/8/1945, thể hiện nhóm Việt Minh và nhóm Binh vận họp tại nhà má Hồ Thị Khuyên có sự tham gia của đồng chí Nguyễn Lộc, phái viên quân sự của Xứ ủy Nam kỳ. Bức tranh dựng lại khung cảnh cuộc họp quan trọng, chuẩn bị giành chính quyền. Ánh đèn tọa đăng tỏa trên từng gương mặt tập trung cao độ nghe đồng chí Nguyễn Lộc trình bày kế hoạch. Ông bà Tám Nhung lúi húi làm việc nhà để canh chừng địch.

Sau cuộc họp bí mật, ngày 26/8, Ủy ban khởi nghĩa ra yết thị và dùng loa kêu gọi đồng bào gia nhập đội Cảm tử quân. Đội Cảm tử quân nhanh chóng phát triển được 40 người, được trang bị vũ khí. 7 giờ sáng ngày 28/8/1945, lệnh khởi nghĩa được phát ra. Hưởng ứng lệnh khởi nghĩa, khoảng 4.000 người đã rầm rập tiến về sân vận động Lam Sơn dự mít tinh do Việt Minh tổ chức. Đồng chí Dương Bạch Mai long trọng tuyên bố: “Từ giờ phút này, chính quyền thật sự về tay nhân dân”. Tỉnh trưởng Lâm Văn Huê từ chức, bàn giao ấn tín và hồ sơ cho cách mạng.

Ngoài việc che giấu cán bộ Việt Minh trong những ngày Cách mạng Tháng Tám, nhờ có sự ủng hộ tiền của ông bà Huỳnh Văn Nhung - Hồ Thị Khuyên và nhân dân phường Thắng Nhì, đội Cảm tử quân đã mua được nhiều súng trường, súng lục, kiếm, mã tấu, lưỡi lê… Trong Tuần lễ Vàng do Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động vào tháng 9/1945, ông bà Tám Nhung là một trong số những gia đình đi đầu trong công cuộc vận động và đóng góp tiền của ủng hộ tích cực cho cách mạng.

NGỌC TRÂN

 

.
.
.