.

Xử lý nghiêm trường hợp không chấp hành lệnh giãn cách xã hội

Cập nhật: 20:17, 09/04/2020 (GMT+7)

Tính đến ngày 9/4, cả nước đã qua 9 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Nhìn chung, đại bộ phận người dân chấp hành nghiêm yêu cầu này. Tuy vậy, những ngày qua, tại nhiều địa phương vẫn xảy ra một số trường hợp vi phạm. Những trường hợp này cần xử lý nghiêm để làm gương cho người khác.   

Chiều 9/4 vẫn còn nhiều người dân TP. Vũng Tàu ra đường đạp xe, chạy bộ, tắm biển. Ảnh: QUANG VŨ
Chiều 9/4 vẫn còn nhiều người dân TP. Vũng Tàu ra đường đạp xe, chạy bộ, tắm biển. Ảnh: QUANG VŨ

Một trong những biện pháp quan trọng được nói đến trong Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ là thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4 trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, người dân được yêu cầu ở yên trong nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng… 

Theo ghi nhận, đại đa số người dân đều chấp hành nghiêm, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch. Tuy vậy, ở nhiều địa phương trong cả nước, vẫn còn một bộ phận người dân chủ quan, lơ là. Tại BR-VT, nhiều người dân vẫn ra đường tập thể dục, hóng mát, tắm biển, không đeo khẩu trang, dù lực lượng chức năng thường xuyên nhắc nhở, lập biên bản. Thậm chí, một số trường hợp đã bị xử phạt hành chính vì không chấp hành Chỉ thị trên.

BR-VT chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 nên một số người có tâm lý chủ quan, coi thường dịch bệnh. Đây là nhận thức hết sức nguy hiểm, bởi một số ca bệnh mới trong những ngày gần đây cho thấy nguồn lây nhiễm đã có trong cộng đồng. Chỉ một phút lơ là, thiếu kiểm soát của một vài người, cộng đồng sẽ lãnh đủ. Giãn cách xã hội là một trong những biện pháp quan trọng nhằm khống chế dịch bệnh, hạn chế lây lan trong cộng đồng. Do đó, người dân phải tự giác, hợp tác thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Trước tình hình này, các cơ quan chức năng ngoài việc tăng cường kiểm tra, vận động người dân thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, cần nghiên cứu áp dụng các hình thức xử phạt theo hướng tăng nặng với những trường hợp cố tình vi phạm. Thậm chí, có thể áp dụng cả biện pháp xử lý hình sự, khi cần thiết, nhằm tăng sức răn đe. Chẳng hạn, một số nước đã áp dụng hình thức xử phạt đối với hành vi vi phạm lệnh hạn chế đi lại, như: Mỹ phạt từ 500-5.000 USD, Nga phạt tới 25.700 USD, Đức phạt 25.000 Euro, Singapore phạt 10.000 đô la Singapore… 

Ở nước ta, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo về xử lý vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19 . Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, căn cứ quy định của pháp luật hiện hành tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, kịp thời phát hiện, khẩn trương xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19, nhất là các hành vi không chấp hành biện pháp phòng, chống dịch; chống đối người thi hành công vụ; đưa tin sai, không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận, mất ổn định xã hội... Nếu có dấu hiệu tội phạm phải chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan chức năng để điều tra, xử lý về hình sự...

Bên cạnh đó, Điều 8, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định “cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm tham gia phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định” nêu rõ: Các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có việc không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm; không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Tùy tính chất và mức độ của hành vi, người vi phạm còn có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 176 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Theo đó, hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng.

THÙY VÂN (Phường 3, TP. Vũng Tàu)

 
.
.
.