Cung ứng đủ hàng hóa, kể cả trong tình huống xấu nhất
Từ ngày 1/4, thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc cách ly toàn xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, điều người dân lo lắng là liệu nguồn lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu có đủ đáp ứng nhu cầu hay không. Phóng viên Báo BR-VT đã có cuộc trao đổi với bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công thương về vấn đề này.
•Phóng viên: Trong điều kiện bình thường, nguồn cung hàng hóa, thực phẩm trên địa bàn tỉnh được nhập từ những nguồn nào, thưa bà?
- Bà Bùi Thị Dung: Trên cơ sở cân đối từ nguồn tự sản xuất và cung ứng trên địa bàn tỉnh, các nguồn cung ứng hàng hóa thông qua hệ thống phân phối vào tỉnh, gồm: lương thực, các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, rau, hoa quả các loại, thực phẩm công nghiệp, đóng gói, chế biến sẵn, các mặt hàng đồ uống có cồn và đồ uống khác được nhập từ một số tỉnh miền Bắc, Đà Lạt, miền Tây, Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, một số mặt hàng, như: gạo 70% được nhập từ các tỉnh miền Tây, Bình Thuận, 30% tự cân đối trong tỉnh. Thịt heo, bò, gà, thủy hải sản 80% là nguồn trong tỉnh, 40% rau củ quả do nông dân trong tỉnh sản xuất ra… Sở Công thương thường xuyên theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, tình hình biến động giá cả các mặt hàng, nhất là các mặt hàng thiết yếu để chủ động có phương án ứng phó, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, tăng giá đột biến.
•Thủ tướng yêu cầu người dân hạn chế di chuyển, cách ly toàn xã hội trong 15 ngày để phòng, chống dịch COVID-19, ngành Công thương đã có phương án như thế nào về việc cung ứng hàng hóa, đáp ứng đủ nhu cầu của người dân?
- Sở Công thương đã xây dựng 4 tình huống cung ứng hàng hóa thiết yếu, mỗi tình huống tương đương mỗi cấp độ của dịch bệnh theo hướng dẫn của Sở Y tế. Mỗi tình huống được yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng nguồn cung cho 13 mặt hàng thiết yếu, gồm: gạo, dầu ăn, mì gói, gia vị, nước chấm, trứng gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả, nước uống… Trong đó tình huống 1 sẽ dự trữ 404.417 tấn, lít/tháng; tình huống 2 là 485.301 tấn, lít/tháng; tình huống 3 là 525.742 tấn, lít/tháng và tình huống 4 là 606.626 tấn, lít/tháng. Hiện nay, lượng hàng hóa để cung ứng khi có dịch bệnh xảy ra tập trung vào các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh và các cửa hàng tiện lợi của Vinmart+, Bách Hóa Xanh, cửa hàng gạo Hoàng Dung…
Bên cạnh dự trữ hàng hóa, trong từng kịch bản ứng phó ngành cũng đã xây dựng kế hoạch vận động các DN hoạt động trong các lĩnh vực may mặc, sản xuất khí công nghiệp, khí y tế, oxy già, dụng cụ y tế; sản xuất sợi, tơ, vải các loại. Việc đưa các DN này vào kịch bản ứng phó để chủ động điều chỉnh, chuyển một phần hoạt động sản xuất - kinh doanh vào tình trạng khẩn cấp phòng, chống dịch khi ở cấp độ 4 để sản xuất thiết bị, vật tư y tế phục vụ cho việc ngăn ngừa, phòng chống dịch COVID-19.
Các hệ thống phân phối, cung ứng đã được yêu cầu nguồn hàng, sự chuẩn bị của địa phương, do đó người dân không cần thiết phải tích trữ quá nhu cầu tiêu dùng cần thiết. Trong ảnh: Người dân mua thực phẩm tươi sống tại Lotte Mart Vũng Tàu. |
•Hiện nay, tỉnh BR-VT chưa có ca nào dương tính với COVID-19, tuy nhiên trong trường hợp có tình huống xấu nhất xảy ra, BR-VT buộc phải phong tỏa nơi bùng phát dịch bệnh thì phương án cung cấp hàng hóa ra sao, thưa bà?
- Với các phương án dự phòng đã được tính toán rất kỹ, các mặt hàng thực phẩm thiết yếu đều đủ đáp ứng cho người dân nếu dịch COVID-19 kéo dài 1 tháng hoặc lâu hơn nữa.
Nếu trong trường hợp xấu nhất xảy ra, buộc phải phong tỏa thì nguồn hàng cung cấp chủ yếu trước mắt phải là lực lượng hàng hóa tại chỗ. Cụ thể, tổng lượng gạo dự trữ tại các địa phương 123.000 tấn; thịt các loại 35.000 tấn; tôm, cá 42.000 tấn, mì tôm 74.000 thùng; rau củ quả 35.000 tấn. Tổng lượng hàng này có thể cung ứng đủ cho người dân của tỉnh trong 1 tháng. Tỉnh có đường vận chuyển hàng hóa cả đường biển, đường bộ, nên lượng hàng hóa không thiếu.
•Với các phương án được chuẩn bị kỹ lưỡng, bà có khuyến cáo gì đối với người dân trong việc tích trữ hàng hóa do lo ngại dịch COVID-19?
- Các hệ thống phân phối, cung ứng đã được yêu cầu nguồn hàng, sự chuẩn bị của địa phương, do đó người dân không cần thiết phải tích trữ quá nhu cầu tiêu dùng cần thiết. Ngoài ra, một số siêu thị, trung tâm thương mại đã kịp thời ứng dụng các giải pháp bán hàng online giao hàng tận nhà phù hợp với tình hình hiện nay. Do vậy, Sở Công thương khuyến cáo người dân không cần thiết mua tích trữ lương thực thực phẩm, chỉ nên mua với số lượng đủ dùng để bảo đảm sinh hoạt thiết yếu cho gia đình, nhằm tránh tạo ra sự đột biến trong mua sắm, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch của cả cộng đồng, tạo tâm lý hoang mang không đáng có.
•Xin cảm ơn bà!
ĐÔNG HIẾU (Thực hiện)