.

DN hãy biến "nguy cơ" thành "cơ hội"!

Cập nhật: 21:12, 08/03/2020 (GMT+7)

 

Thời gian qua, dịch COVID-19 đã tác động vào tăng trưởng, đầu tư và thương mại, gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất quan trọng, suy giảm tiêu dùng. DN cần phải làm gì để hạn chế tối đa thiệt hại và tìm cơ hội cho mình? Phóng viên Báo BR-VT đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế - TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhân dịp ông có chuyến làm việc tại tỉnh. Nội dung như sau:

• Phóng viên: Ông nhận định dịch COVID-19 sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam nói chung, BR-VT nói riêng?

- TS. Võ Trí Thành: Có thể thấy dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới, khu vực và Việt Nam. Tác động của nó phản ánh ở nhiều khía cạnh, trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó nổi lên là 3 tác động chính vào tăng trưởng, đầu tư và thương mại; gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất quan trọng; suy giảm tiêu dùng tác động lớn đến dịch vụ và du lịch. Minh chứng rõ nhất là ngay trong quý I/2020, hay cụ thể hơn là tháng 2 vừa qua, tác động tiêu cực đã bắt đầu rõ rệt với mọi lĩnh vực kinh tế, nặng nhất là du lịch, logistics, vận chuyển (hàng không), bán lẻ, nhà hàng, khách sạn, xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó thiệt hại lớn nhất là nông sản. Ngoài ra, rất nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam, trong đó có BR-VT cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực mạnh như da giày, dệt may, điện tử… cả về xuất khẩu lẫn nhập khẩu. Sản xuất đã xuất hiện sự đình trệ. Đặc biệt là nhập khẩu, bởi đây là những lĩnh vực đầu vào sản xuất phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Đánh giá bước đầu cho thấy, nếu dịch COVID-19 không còn phức tạp và chấm dứt sớm thì hết quý I, quý II, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể giảm từ 0,4 đến 1 điểm %, nếu dịch còn kéo dài thì quy mô tác động sẽ khó lường hết.

• Thưa ông, với những tác động tiêu cực này, giải pháp nào để hạn chế tối đa thiệt hại, đặc biệt là các DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu?

- BR-VT là một trong những tỉnh có giao thương lớn, kết nối với TP. Hồ Chí Minh cũng như nhiều nước trên thế giới nên nguy cơ bị tác động tiêu cực là rất lớn. Điều quan trọng nhất hiện nay là tỉnh và các DN tiếp tục chủ động triển khai công tác phòng chống dịch thật tốt, công tác truyền thông phải đúng, minh bạch, kịp thời, kể cả chống những thông tin thất thiệt. Ngoài ra, các biện pháp kinh tế nhằm giảm thiểu thiệt hại hiện nay phải mang tính tổng thể, quyết liệt, làm ngay và minh bạch. Đầu tiên đối với chính sách tiền tệ cần bảo đảm thanh khoản. Đó là cần khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất các khoản, nhất là các khoản đã cho vay trong các lĩnh vực khó khăn. Đồng thời vẫn tiếp tục xem xét cho vay nếu nhu cầu của DN là tốt, là cần thiết để duy trì, phát triển sản xuất. Về chính sách tài khóa cần hoãn, giãn, giảm thuế, phí, bảo hiểm, tiền thuê đất có thời hạn nhất định cho DN. Bên cạnh đó là kết hợp phòng dịch với tạo điều kiện để DN và người lao động an tâm sản xuất. Đối với các DN có chuyên gia nước ngoài, cần tính toán phù hợp việc chuyên gia quay lại làm việc như thế nào, cách ly ra sao để bảo đảm sản xuất cũng như an toàn cho môi trường làm việc của DN, người lao động và cộng đồng. DN nên lựa chọn cách sản xuất kinh doanh phù hợp, nếu phải cắt giảm thì phải khôn khéo tùy theo nguồn lực của DN. Bên cạnh đó, DN cần biết tận dụng các gói hỗ trợ của Chính phủ.

Dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Bắc Hà (15, Lam Sơn, phường Phước Hòa, TX. Phú Mỹ) gia công hàng xuất khẩu sang châu Âu.
Dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Bắc Hà (15, Lam Sơn, phường Phước Hòa, TX. Phú Mỹ) gia công hàng xuất khẩu sang châu Âu.

• Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, trong “nguy” có “cơ”. Bởi đây cũng là cơ hội để DN nhìn lại mình, đối tác, thị trường, cách quản trị rủi ro để cả DN và nền kinh tế có cơ hội cải cách. Theo ông, để biến nguy cơ thành cơ hội, DN phải làm gì, đặc biệt là trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực?

- Như tôi đã nói, nguy cơ là rất rõ, vì vậy bài học rút ra là DN phải làm sao học được cách quản trị rủi ro, từ đó đưa ra các biện pháp phù hợp. Việc tái cấu trúc DN, nhìn nhận lại đối tác, thị trường, đa dạng hóa sản phẩm là việc làm lâu dài. Trước mắt, DN cần tận dụng các gói hỗ trợ, nếu phải cắt giảm thì phải tìm cách tốt nhất, chẳng hạn duy trì lực lượng nòng cốt tốt nhất để khi có giai đoạn phục hồi sẽ nhanh chóng bắt tay vào công việc. Mặt khác, DN cũng nên tận dụng công nghệ quản trị số hiện nay để quản lý, giao tiếp, đồng thời tận dụng các dịch vụ thương mại điện tử, vai trò của các hội, hiệp hội để hỗ trợ lẫn nhau cùng vượt qua khó khăn và phát triển.

Trong bối cảnh các hiệp định FTA có hiệu lực sẽ mang đến cả khó khăn lẫn cơ hội cho DN. Khó là khi hội nhập, hàng hóa, dịch vụ từ bên ngoài dễ tràn vào sẽ dễ dẫn đến những cú sốc cho DN nội; nhưng thuận lợi là khi thị trường mở cửa DN có cơ hội tiếp cận thị trường, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. Chẳng hạn, nếu Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào nửa năm sau sẽ là điều kiện, cơ hội để DN làm ăn bài bản hơn, tiếp cận thị trường tốt hơn, bắt tay với các nhà đầu tư tốt hơn và trong bối cảnh nhiều rủi ro này để nhìn nhận thị trường và đa dạng hóa đối tác, đa dạng hóa thị trường.

• Xin cảm ơn ông!

ĐÔNG HIẾU (Thực hiện)

 
.
.
.