“Hộp mù" hay "túi mù" là một khái niệm không còn xa lạ với giới trẻ trên thế giới, nhưng chỉ mới du nhập vào Việt Nam trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, trào lưu này đã nhanh chóng lan rộng và trở thành một cơn sốt trong giới trẻ Việt.
Sức hút từ hộp đồ chơi Baby Three
Giữa lúc trào lưu sưu tầm búp bê Labubu hay "xé túi mù" vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Gần đây, một món đồ chơi mới mang tên Baby Three nhanh chóng trở thành chủ đề được nhiều bạn trẻ, người nổi tiếng nhắc đến và săn đón. Độ “hot” của món đồ chơi này còn lan rộng ở khắp nơi, tới nhiều lĩnh vực bán lẻ, trên các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử.
![]() |
Các hộp mù đang thu hút không chỉ trẻ em mà người lớn cũng bị lôi cuốn |
Sắp tới sinh nhật 7 tuổi của con trai, chị Nguyễn Hồng Duyên (phường 9, TP.Vũng Tàu) muốn con gợi ý để tặng món quà con thích. Thay vì như những năm trước, cậu bé sẽ chọn Lego hoặc máy bay đồ chơi thì năm nay cậu xin mẹ được mua một hộp Baby Three.
“Dạo này, con rất thích xem đập hộp đồ chơi trên Youtube, nhất là Baby Three, nên năn nỉ mẹ mua nhưng mình không hiểu đó là gì nên thường bỏ qua đòi hỏi của con”. Khi tìm hiểu thì chị Duyên biết cũng là dạng đồ chơi gấu bông nên đồng ý mua cho con. Tuy nhiên, lúc được “đập hộp” cậu bé khá phấn khích, nhưng khi biết trong hộp quà không phải là sản phẩm mong muốn thì cậu bé lại tỏ ra buồn bã và thất vọng.
![]() |
Khách hàng lựa chọn mua các hộp túi mù tại một shop trên đường Ba Cu (TP. Vũng Tàu) |
Baby Three là dòng sản phẩm đồ chơi thú nhồi bông sản xuất tại Trung Quốc, được thiết kế theo phong cách riêng với nhiều hình dạng thú dễ thương như mèo, gấu, thỏ, cáo… Điều hấp dẫn món đồ chơi này nằm ở chỗ, người mua sẽ được “đập hộp” và không hề biết được bên trong hộp sẽ là phiên bản gì với các biểu cảm đôi mắt độc, lạ như mắt thường, mắt lé, mắt ướt (mắt rưng) hay mắt dora nước. Nhà sản xuất đã đánh trúng tâm lý, kích thích người mua bởi sự hồi hộp, bất ngờ, tỏ ra vui sướng nếu bóc trúng phiên bản dễ thương và cũng khá thất vọng khi bóc phải những con thú không như ý.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, sản phẩm này được bày bán ở khắp mọi nơi, từ các cửa hàng sang trọng, siêu thị đến ngoài vỉa hè với giá giao động từ 200.000 đồng đến gần 1 triệu đồng/con, tuỳ kích cỡ và phiên bản. Ở phiên bản búp bê phân khúc đặc biệt Baby 1000%, giá bán cho một kiện nguyên tem rơi vào vài triệu đồng, nhưng luôn trong tình trạng cháy hàng.
Chị Nguyễn Ánh Nguyệt (một người kinh doanh đồ chơi) cho biết, chỉ trong khoảng 2 tháng trở lại đây, chị đã bán được hàng trăm Baby Three, đây là sản phẩm bán chạy nhất của chị Nguyệt trong 5 năm kinh doanh lĩnh vực này. “Đa số là các bạn nhỏ, độ tuổi nhiều nhất vẫn là từ 5 đến 13 tuổi muốn sở hữu Baby Three, nhiều bạn thậm chí còn mua đủ bộ sưu tập gồm hàng chục sản phẩm”, chị Nguyệt chia sẻ.
“Túi mù” len lỏi khắp nơi
“Túi mù” là một dạng sản phẩm được đóng gói kín đáo, bên trong chứa đựng ngẫu nhiên một món đồ chơi hoặc phụ kiện. Người mua sẽ không biết chính xác mình sẽ nhận được món đồ nào cho đến khi mở hộp. Sự bất ngờ và tính may rủi này chính là yếu tố hấp dẫn của túi mù. Ban đầu, các gói túi mù thường là các sản phẩm nhỏ như đồ chơi, búp bê, hoặc mô hình nhân vật hoạt hình, sau đó lan rộng ra khắp các mặt hàng và được giới trẻ hưởng ứng.
Tại Việt Nam, người tiêu dùng cũng bị cuốn vào trào lưu này qua các nền tảng mua sắm trực tuyến và livestream. Những người nổi tiếng tại Việt Nam thông qua các nền tảng mạng xã hội như TikTok, YouTube cũng tranh thủ chạy theo “trend” bán túi mù, khuyến khích người theo dõi mua hàng để trải nghiệm, điều này càng thúc đẩy trào lưu trở nên phổ biến hơn.
![]() |
Giá các hộp đồ chơi Baby Three từ vài trăm ngàn cho đến vài triệu vẫn hút khách mua. |
Trên các nền tảng mạng xã hội, trào lưu này cũng vấp phải ý kiến trái chiều, nhiều người cho rằng xé túi mù không chỉ làm tăng lượng bao bì thải ra môi trường mà còn khuyến khích lối sống tiêu dùng nhanh, thiếu cân nhắc. Nhiều sản phẩm bên trong túi mù là các món đồ không thực sự cần thiết, hoặc là các sản phẩm không như mong đợi, sau đó dễ dàng bị vứt bỏ, không sử dụng lâu dài. Ngoài ra, không phải sản phẩm nào cũng có xuất xứ rõ ràng, đa số hàng của Trung Quốc nhưng trên nhãn không thể hiện tiếng Việt.
Cho rằng đây là trào lưu góp phần huỷ hoại môi trường, anh Nguyễn Thành Anh (ngụ TP.Bà Rịa) cùng vợ quyết định không cho con tiếp cận với món đồ chơi này, đồng thời giải thích cho con về những tác hại khi xé túi mù, niềm vui chỉ chốc lát nhưng để lại hậu quả lớn.
“Ban đầu con không đồng ý, khóc lóc đòi bằng được nhưng vợ chồng mình từ từ nói chuyện thì bé cũng hiểu ra, bé còn đến lớp nhắc các bạn không nên xe túi nylong rồi vứt đi”, Anh Thành Anh nói.
Các chuyên gia cho rằng trào lưu trên phản ánh giới trẻ đang chú trọng vào những sản phẩm chăm sóc cảm xúc của mình, tạo cảm giác thư giãn, giải trí. Tuy nhiên, nhiều người dự đoán túi mù cũng sẽ như cơn sốt Capybara (chuột lang) trước đó, chỉ kéo dài vài tháng, và sẽ có sản phẩm khác thay thế.
Bài, ảnh: NGUYỄN NAM