Từ vườn rau, đầm sen đến sản phẩm OCOP được ưa chuộng

Thứ Năm, 22/05/2025, 17:05 [GMT+7]
In bài này
.

Rau xanh, hạt sen xưa nay mọi người thường chỉ quen với những cách chế biến giản đơn để ăn ngay. Nhưng ở Long Đất, những nguyên liệu đó được chế biến thành trà, bột, tinh chất… trở thành sản phẩm OCOP có giá trị cao, vươn ra cả thị trường quốc tế.

Các sản phẩm được chế biến từ củ sen của gia đình bà Huỳnh Thị Thanh Vân, xã Long Tân.
Các sản phẩm được chế biến từ củ sen của gia đình bà Huỳnh Thị Thanh Vân, xã Long Tân.

Chế biến sâu giúp tăng giá trị nông sản

Trước đây, gia đình bà Huỳnh Thị Thanh Vân (xã Long Tân) trồng sen hữu cơ, chủ yếu khai thác hạt, củ và ngó sen tươi. Dù sản lượng khá nhưng giá trị thu về không cao. Nhận thấy hạn chế đó, bà Vân bắt tay nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật để chế biến sâu thành các sản phẩm như trà củ sen, tinh bột củ sen, trà tâm sen, trà lá sen, bông sen ướp trà… đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.

Trong số các sản phẩm này, trà củ sen và tinh bột củ sen là 2 sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật sản xuất khắt khe. Bà Vân cho biết: Hiện nay, các sản phẩm từ sen của tôi được tiêu thụ ở nhiều thị trường trong tỉnh, khu vực và tại thị trường Australia. Thời gian tới, tôi sẽ tập trung vào chế biến sâu để mở rộng thị trường”.

Nếu như mô hình sản xuất các sản phẩm từ sen của bà Huỳnh Thị Thanh Vân bắt nguồn từ mong muốn nâng cao giá trị cây trồng để đưa ra thị trường, thì với bà Nguyễn Thị Mỹ, chủ cơ sở bột rau Thảo Nguyên ở xã Phước Hưng, lại khởi đầu từ nhu cầu cá nhân.

Nhận thấy các sản phẩm bột rau củ tự làm sử dụng tốt trong gia đình, bà Mỹ nghĩ đến việc phát triển thành hàng hóa kinh doanh. Năm 2020, tận dụng nguồn rau xanh dồi dào tại địa phương, bà quyết định đầu tư xây dựng nhà xưởng, lắp đặt thiết bị sấy lạnh để chế biến các loại bột rau má, cần tây, diếp cá, tía tô… theo hướng an toàn, tiện lợi, phù hợp thị trường.

Công nghệ sấy lạnh kết hợp làm sạch sâu giúp sản phẩm đạt độ ẩm dưới 5%, giữ nguyên dược tính và kéo dài thời gian bảo quản so với phương pháp truyền thống. Hiện sản phẩm của cơ sở đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Chế biến bột rau má tại cơ sở sản xuất bột rau Thảo Nguyên, xã Phước Hưng, huyện Long Đất.
Chế biến bột rau má tại cơ sở sản xuất bột rau Thảo Nguyên, xã Phước Hưng, huyện Long Đất.

Bà Mỹ chia sẻ: “Từ nông sản tươi, giá trị thấp, đầu ra bấp bênh, qua máy móc chế biến sâu, giúp sản phẩm tăng giá trị lên cao và bảo quản tốt hơn. Các sản phẩm sau chế biến đã nâng tầm giá trị, có chỗ đứng trên thị trường và có giá trị cao hơn nhiều so với sản xuất và bán sản phẩm thô”.

Tiếp tục hỗ trợ nâng chất lượng

Hiện nay, huyện Long Đất có 59 sản phẩm OCOP, trong đó 27 sản phẩm đạt 4 sao và 32 sản phẩm đạt 3 sao. Để nâng cao giá trị các sản phẩm này, thời gian qua, huyện đã từng bước xây dựng chính sách hỗ trợ, triển khai giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức tập huấn ứng dụng công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và chế biến nông sản cho các cơ sở sản xuất. Những hoạt động này góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.

Ông Hồng Như Vàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Đất cho biết, để hỗ trợ các sản phẩm chủ lực và kết nối thị trường, huyện tập trung hỗ trợ từ khâu đầu vào, hướng dẫn nông dân ứng dụng kỹ thuật canh tác và đảm bảo quy trình sản xuất sạch theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Trên nền tảng đó, huyện tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật chế biến, bảo quản, đồng thời xây dựng mẫu mã, thương hiệu và bao bì cho sản phẩm.

“Huyện tiếp tục định hướng tư vấn các chủ thể OCOP nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm OCOP của huyện”, ông Hồng Như Vàng thông tin thêm.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.