Nhiều người điêu đứng vì Temu đóng cửa
Diễn biến liên quan đến Temu phơi bày những rủi ro tiềm ẩn trong lĩnh vực thương mại điện tử, đồng thời đặt ra câu hỏi về trách nhiệm và tính minh bạch của các nền tảng kinh doanh trực tuyến.
Những câu chuyện tiếc nuối
Anh N.T.N, một người dùng tại Vũng Tàu, chia sẻ hành trình rủi ro của mình: “Tôi nghe theo lời giới thiệu của bạn bè và tham gia chương trình tiếp thị của Temu từ những ngày đầu. Sau một thời gian làm việc, tôi tích lũy được hơn 40 triệu đồng”.
Ban đầu, anh N.T.N thử nghiệm rút tiền về tài khoản cá nhân với số tiền nhỏ, mỗi lần chỉ 500.000 đồng. Điều này khiến anh an tâm và tiếp tục nỗ lực hơn trong công việc. Tuy nhiên, vào một ngày gần đây, khi đăng nhập vào tài khoản Temu, anh bàng hoàng phát hiện toàn bộ số tiền đã biến mất. Không những vậy, giao diện trang web không còn hỗ trợ tiếng Việt.
Trước và sau khi Temu đóng cửa tài khoản khách hàng mất tiền mà không rõ nguyên nhân |
Không chỉ riêng anh N.T.N, câu chuyện của anh H.H.T cũng khiến nhiều người cảm thấy bất bình. Anh H.H.T cho biết dù số tiền anh kiếm được trên nền tảng là không nhỏ, Temu liên tục từ chối yêu cầu rút tiền. Những khoản tiền ít ỏi từ chương trình giới thiệu là tất cả những gì anh có thể nhận được, trong khi phần lớn số tiền trong tài khoản dường như "đóng băng" mãi mãi.
Những câu chuyện như thế này không chỉ diễn ra ở một vài cá nhân mà còn phản ánh thực trạng chung mà hàng trăm người dùng khác đang phải đối mặt khi sử dụng nền tảng Temu tại Việt Nam.
Góc nhìn pháp lý về vụ việc
Để làm rõ hơn tính chất pháp lý của vấn đề, luật sư Đặng Thành Trí từ Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những phân tích cụ thể: Việc Temu tự ý xóa tài khoản người dùng và “giam tiền” của họ mà không có sự đồng ý là hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo Luật sư Trí, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành nêu rõ quyền được đảm bảo an toàn về tài sản khi tham gia giao dịch trực tuyến. Hành vi của Temu không chỉ vi phạm nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn thể hiện sự thiếu trách nhiệm trong việc quản lý dữ liệu và tài sản người dùng.
Trang chủ Temu cũng không còn tiếng Việt |
Ngoài ra Bộ luật Dân sự 2015 còn quy định về quyền sở hữu tài sản, nhấn mạnh trách nhiệm đảm bảo quyền lợi của người sở hữu tài sản. Khi người dùng tham gia Temu, họ đã ngầm ký một "hợp đồng điện tử" với nền tảng. Việc Temu đơn phương hủy bỏ quyền lợi của người dùng là vi phạm hợp đồng này.
Ngoài ra, hành vi của Temu đã vi phạm Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các cơ quan chức năng có thể áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhằm răn đe và bảo vệ thị trường thương mại điện tử trong nước.
Luật sư Trí cũng khuyến nghị những người dùng bị ảnh hưởng cần thu thập đầy đủ chứng cứ: Bao gồm ảnh chụp màn hình giao dịch, lịch sử tích lũy tiền, email liên lạc với Temu để lập hồ sơ khiếu nại gửi đến các cơ quan quản lý như Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương và chuẩn bị hồ sơ khởi kiện nếu khiếu nại không được giải quyết, người dùng cần chuẩn bị hồ sơ pháp lý để khởi kiện Temu ra tòa.
Vụ việc Temu không chỉ là một sự cố đơn lẻ mà còn là lời cảnh báo về nguy cơ từ các nền tảng kinh doanh trực tuyến chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Những câu chuyện của anh N.T.N, anh H.H.T và hàng trăm người khác là hồi chuông cảnh tỉnh. Người tiêu dùng cần ý thức hơn về quyền lợi của mình và không ngần ngại lên tiếng khi bị xâm phạm.
Trong một thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh như Việt Nam, những biện pháp này không chỉ giúp ngăn chặn các trường hợp tương tự mà còn góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh, bền vững.
Bài, ảnh: Nguyễn Nam