Đằng sau vùng quy hoạch có dự án chậm triển khai: Kỳ 1: Đi không được, ở chẳng xong
Hàng loạt dự án chậm triển khai không chỉ làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, gây lãng phí tài nguyên đất đai mà còn tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế của địa phương.
Các dự án chậm triển khai không chỉ làm làm mất mỹ quan đô thị mà còn khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn do không thể xây dựng, sửa chữa nhà cửa.
Khu dân cư nhà cửa tạm bợ, xập xệ trong vùng quy hoạch hành lang kỹ thuật, cây xanh cách ly của KCN Phú Mỹ. |
Nhà ở xuống cấp, xập xệ
Từ đường 3/2 hướng TP.Hồ Chí Minh về TP.Vũng Tàu, sau khi qua khu đô thị Chí Linh, nhìn sang bên phải là hàng dài những tấm tôn cũ nát được dựng lên che chắn khu Bàu Trũng (phường Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu). Bên trong khu vực này, nhiều nhà cửa xuống cấp, đường sá hư hỏng - mưa thì ngập, nắng thì bụi… Hàng trăm hộ dân, với hàng ngàn nhân khẩu vẫn đang sống tạm bợ trong khu đất quy hoạch làm dự án Công viên văn hóa - đô thị mới Bàu Trũng nhiều năm qua.
Sống trong khu Bàu Trũng đã 40 năm, bà Trần Thị Mỹ Len (442/1/29 Nguyễn An Ninh, phường Nguyễn An Ninh) than thở: “Dù diện tích đất 200m2 nhưng tôi không thể tách thửa cho con. Do vướng quy hoạch dự án nên tôi cũng không xây được nhà riêng cho vợ chồng con trai ở. Cả gia đình 3 thế hệ đành sống chung trong căn nhà cấp bốn chật hẹp, xuống cấp”.
Ông Trương Thế Hải, Chủ tịch UBND phường Nguyễn An Ninh cho biết, có 323 hộ gia đình đang sống trong vùng quy hoạch dự án Công viên văn hóa - đô thị mới Bàu Trũng. Dự án có tổng diện tích quy hoạch là 172ha. Trong đó có 296 hộ sống trong nhà cấp 4; 21 hộ có nhà từ 2 tầng trở lên (xây dựng trước quy hoạch); 6 nhà xưởng và nhà tôn tạm.
Cũng ngay trung tâm TP.Vũng Tàu, ít ai có thể hình dung được có hàng trăm hộ dân sống lay lắt trong vùng quy hoạch dự án khu C Trung tâm Chí Linh suốt hơn 30 năm qua. Nói về cuộc sống khổ sở trong vùng dự án chậm triển khai, có lẽ không ai cảm nhận rõ hơn gia đình ông Lê Văn Ngọc (290/12a Nguyễn Hữu Cảnh, phường Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu). Gia đình ông Ngọc có 120m2 đất nhưng hơn 30 năm qua cả 3 thế hệ với hơn 10 người vẫn phải sống trong căn nhà cấp 4 chật chội.
Rời nhà ông Ngọc, chúng tôi đến thăm nhiều hộ dân khác trong vùng quy hoạch dự án này. Hẻm 290 Nguyễn Hữu Cảnh lúc nào cũng bì bõm nước. Tiếp chúng tôi ở bộ bàn ghế đá ngoài hiên trong không khí nồng nặc mùi hôi thối, ô nhiễm do mưa ngập, những hộ dân trong hẻm 290 Nguyễn Hữu Cảnh đầy bức xúc. Bà Nguyễn Thị Thơm (290/22/9D Nguyễn Hữu Cảnh) bày tỏ: “Nằm trong quy hoạch dự án, nhà không được sửa chữa, xây mới nên khổ lắm! Mấy ngày mưa to vừa qua nhà tôi bị ngập nặng. Nước cống rãnh, rác thải hôi thối tràn vào nhà, ô nhiễm lắm!”.
Theo ông Lê Văn Sử, Trưởng KP.11, phường Thắng Nhất, gần 30 năm nay, nhiều người dân ở hẻm 290 Nguyễn Hữu Cảnh rơi vào cảnh “đi không được mà ở cũng chẳng xong” khi khu vực này vướng quy hoạch của dự án khu Trung tâm Chí Linh, trong đó, hẻm 290 Nguyễn Hữu Cảnh thuộc quy hoạch dự án khu C Trung tâm Chí Linh. Dự án có 670 hộ dân có đất cần thu hồi. “Do không được xây dựng, nâng cấp nhà cửa trong nhiều năm nên đời sống người dân gặp nhiều khó khăn”, ông Sử nói.
Đại diện Phòng Quản lý Đô thị TP.Vũng Tàu cho biết, về những ý kiến phản ánh của các hộ dân tại hẻm 290 Nguyễn Hữu Cảnh, HĐND TP.Vũng Tàu đã có văn bản đề nghị UBND TP.Vũng Tàu nghiên cứu và có phương án nâng cấp hẻm để tạo thuận lợi cho người dân đi lại. Sau đó, Phòng Quản lý Đô thị đã tổ chức khảo sát đề xuất cải tạo, sửa chữa hẻm 290, công trình được ghi vốn đầu tư vào năm 2019-2020. Tuy nhiên, tuyến hẻm này đang thuộc quy hoạch dự án khu C Trung tâm Chí Linh do DIC Corp làm chủ đầu tư. Vì vậy, UBND TP.Vũng Tàu chưa quyết định phê duyệt dự án.
Chưa an cư, làm sao lạc nghiệp?
Lối vào tổ 15 và tổ 16 (KP.Vạn Hạnh, phường Phú Mỹ, TX.Phú Mỹ) chỉ có duy nhất một con đường đất nằm trên đường ống dẫn khí cao áp. Giữa đường ổ voi, ổ gà và hàng chục vũng nước loang lổ. Chiếc xe honda của bà Đào Thị Dung, Bí thư Chi bộ, Trưởng KP.Vạn Hạnh lách qua bên này, lạng sang bên kia mới có thể chở tôi vào được đến nhà dân.
Do vướng quy hoạch khu C trung tâm Chí Linh nên nhiều khu đất trống ở hẻm 290 Nguyễn Hữu Cảnh, phường Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu trở thành ao tù đọng nước. |
Trời nắng ráo nhưng ngôi nhà cấp 4 của ông Đỗ Văn Danh (tổ 16, KP.Vạn Hạnh) vẫn ngập nước. Ông đã xây bức tường rào ngăn nước từ khu đất trống cạnh bên tràn qua nhưng nước vẫn ngập qua mắt cá chân, tràn vào sân nhà. Ông Danh cầm cái xô múc nước từ sân nhà tát sang khu đất trống. Theo ông Danh, mỗi tháng gia đình ông phải mất 3 triệu đồng tiền thuê máy bơm để bơm nước ra khỏi nhà. Những hôm mưa to, gia đình ông phải dắt díu nhau đi nơi khác tránh nước như tránh lũ. Đất ông có diện tích 4.800m2 nhưng chỉ xây được cái nhà cấp 4 chưa đầy 100m2 để ở từ mấy chục năm trước. “Nhà nứt trước, dột sau… xuống cấp trầm trọng mà không thể xây mới. Đất thì rộng mênh mông nhưng không làm gì được, cũng không sao tách thửa để bán và có bán thì cũng chẳng có ai mua vì vướng quy hoạch”, ông Danh nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, khu đất nhà ông Danh nằm trong quy hoạch hành lang kỹ thuật KCN đã được phê duyệt cách đây gần 30 năm nhưng đến nay chưa tiến hành giải tỏa, đền bù cho các hộ dân trong vùng quy hoạch. Hành lang có chiều rộng phổ biến từ 100-200m và dài hơn 20km, qua các phường: Phú Mỹ, Mỹ Xuân, Tân Phước, Phước Hòa, xã Tân Hòa, xã Tân Hải (TX.Phú Mỹ). Việc kéo dài quy hoạch khiến các hộ dân không thể an cư, lạc nghiệp trên chính mảnh đất của mình.
Theo thống kê của UBND tỉnh, tính đến tháng 9/2023, trên địa bàn tỉnh có 54 dự án chậm triển khai, chủ yếu thuộc lĩnh vực nhà ở, khu đô thị; dự án cảng biển, cảng thủy nội địa; các dự án có thuê môi trường rừng… |
Ông Phan Văn Châu, Chủ tịch UBND phường Phú Mỹ cho biết, phường đã tiến hành rà soát hồ sơ địa chính và thực địa của các hộ dân sống trong khu vực hành lang kỹ thuật, cây xanh cách ly của KCN Phú Mỹ dựa theo bản đồ quy hoạch khu dân cư và quy hoạch sử dụng đất của phường Phú Mỹ. Theo đó, có khoảng 86ha đất thuộc phường Phú Mỹ nằm trong khu vực hành lang kỹ thuật, cây xanh cách ly với khoảng 1.142 hộ dân thuộc các khu phố: Vạn Hạnh, Quảng Phú, Ngọc Hà, Tân Phú bị ảnh hưởng.
Tương tự các vùng quy hoạch khác, hơn 1.000 hộ trong vùng quy hoạch dự án Công viên Bàu Sen (TP.Vũng Tàu) từ các tỉnh, thành khác đến cư ngụ, điều kiện kinh tế nhiều người còn khó khăn. Hầu hết nhà dân đều đã xây dựng từ những năm 1980, số còn lại là nhà dựng tạm nên cũ kỹ và tạm bợ. Bà Lê Thị Huyền (nhà thuộc dự án khu Công viên Bàu Sen) cho biết: “Gia đình tôi luôn ở trong tâm trạng âu lo, không biết Nhà nước sẽ thu hồi nhà, đất của mình khi nào. Đến ngôi nhà cấp 4 đang ở, mặc dù đã xuống cấp trầm trọng vì xây dựng đã lâu… tôi cũng không dám sửa chữa. Không an cư thì biết bao giờ mới lạc nghiệp được?”.
Bài, ảnh: QUANG VŨ
(Còn nữa)